fbpx
Tin nổi bậtTin tức - Sự kiện

NƠI TÁI TẠO NĂNG LƯỢNG SỐNG

Vượt qua những định kiến, đâu đó vẫn có những cộng đồng nơi mà tình thương và sự cảm thông là sợi dây kết nối con người với nhau. Làng phong Quy Hoà ở Quy Nhơn là một nơi đặc biệt như thế!

Khi đặt chân đến một nơi “thiếu thốn đặc biệt” nào đó, mọi người đều nghĩ rằng mình sẽ làm gì, giúp đỡ được gì cho nơi này nhưng đâu có mấy ai nhận ra chính nơi đây có thể mang đến gì cho mình không, chẳng hạn một góc nhìn khác, một tâm trạng khác? Người dân nơi đây không muốn cảm thấy họ là những-con-người-đặc-biệt, cái họ cần chính là sự kết nối bình thường và đơn giản như vẫn đang xảy ra ngoài kia. Và cũng chính họ mang đến cho những người-bình-thường nguồn năng lượng sống tích cực bằng một cách tinh tế nhất.

NƠI “TÁI TẠO” NĂNG LƯỢNG SỐNG ĐẶC BIỆT

Nằm ẩn dật trong một thung lũng bao quanh là núi và biển trong khu du lịch Gềnh Ráng, như một khu nghỉ dưỡng dân dã chìm đắm với tự nhiên. Làng phong Quy Hoà dịu dàng và kín đáo, hoang sơ tách biệt với cuộc sống vội vã xô bồ ngoài kia.

Khu quần thể rộng lớn gồm nhiều công trình kiến trúc có từ thời Pháp  đắm mình trong nước biển ngăn ngắt xanh; thả hồn cùng tiếng gió rì rào thổi qua những rặng dương, rặng dừa và tiếng sóng vỗ vào ghềnh đá… tạo nên một bức tranh tự nhiên mê hoặc lòng người. Lặng lẽ đến bình dị mang đến tinh thần thư thái, cảm giác tích cực rất nhẹ nhàng khi đến nơi đây, bao nhiêu muộn phiền được cuốn theo tiếng chim, tiếng sóng biển mà tan biến.

Cuộc sống ở đây khó khăn và không dễ dàng, tuy nhiên thung lũng Quy Hoà không mất đi sự yêu đời và mến khách, khi mà bạn rảo bước ở đây, bạn sẽ cảm nhận được sự bình yên, hiền dịu và dễ thương đó. Đừng sợ hãi và xa lánh, chỉ cần cái gật đầu hay một nụ cười của bạn cũng đã đem đến cho người dân nơi đây sự ấm áp tình người, niềm tin vào cuộc sống đồng nghĩa cho lời động viên và an ủi. “Mục đích của mình là làm cho người bệnh được hòa với thiên nhiên để tâm hồn của họ được thoải mái, sống trong khung cảnh tốt, bớt đi nỗi đau về thể xác cũng như tinh thần. Người bên ngoài vào chơi, tham quan thì xóa nhòa khoảng cách giữa người bệnh với người lành để người bệnh cảm thấy họ cũng giống như những người bình thường khác” -Một bác sĩ tâm huyết chia sẻ.

Dạo một vòng quanh thung lũng, nơi đâu bạn cũng có thể nhìn thấy hoa. Nhà nào cũng có một mảnh vườn phía trước trồng đủ các loại hoa như hoa giấy, hoa hồng, mười giờ, huệ… Không giống với cách sống khép kín trước kia, những bệnh nhân phong hôm nay luôn mở lòng đón khách từ các nơi về thăm làng. Một cuộc sống hòa nhập cộng đồng đem lại cho họ niềm vui và tin tưởng trong cuộc sống. Mọi người trong làng phong này sống rất đoàn kết. Họ xem nhau như người một nhà và sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, khó khăn. Ở đây, những bệnh nhân không có người thân ở bên ngoài cũng như trong làng đều không sợ cô đơn hay không có người chăm sóc khi đau ốm. Cũng phải kể đến cư dân danh tiếng nhất ở đất Quy Hoà này không ai mà không biết đến: nhà thơ Hàn Mặc Tử. Đó là một chốn vừa hồn hậu, vừa thanh bình – nơi để điều trị bệnh và sáng tác thơ văn…. 

NƠI GIAO HOÀ NÉT ĐẸP TÂM HỒN VÀ TRÍ TUỆ

THI CA – KIẾN TRÚC – Y HOC: Cả ba lĩnh vực khó có thể mà kết hợp, tưởng chừng không liên quan gì đến nhau nhưng với làng phong Quy Hoà thì lại khác. Tất cả đều có thể hoà hợp nhưng vẫn giữ nét riêng và độc nhất.

Khi nhắc đến trại phong tại Quy Nhơn không ai không biết đến nhà thơ Hàn Mặc Tử. Năm 1936, thi sĩ Hàn Mặc Tử mắc bệnh phong, sống những năm tháng cuối đời ở Quy Hòa để điều trị bệnh và làm thơ. Trong đau đớn, cô đơn và buồn tủi, những vầng thơ Hàn Mặc Tử ghi đậm dấu ấn tài hoa rất riêng đã được ra đời tại vùng đất đẹp như tranh này như: “Thơ điên”, “Hương thơm”. “Mật đắng”, “Máu cuồng và hồn điên”… Từ đó, Quy Hòa cũng được biết đến nhiều hơn. Với những ai hâm mộ thơ Hàn Mặc Tử, Quy Hòa là điểm đến không thể bỏ qua trong đời. Người mộ điệu thơ, người tiếc thương cho một người tài hoa bạc mệnh, người tìm thấy vẻ đẹp và sự đồng cảm trong thơ ông đến đây mỗi năm để tưởng nhớ.

Kiến trúc nơi đây cũng chính là một nét chấm phá trong bức tranh bình dị ấy. Trước đây, Quy Hòa được xem như là “thế giới đau khổ”, thế giới an bài của những “con hủi” bất hạnh, sống tách biệt với xã hội bên ngoài, nhưng giờ đây Quy Hòa đã trở thành một điểm tham quan du lịch đầy hấp dẫn của Bình Định. Dạo bước trên con đường xanh mát bóng cây, từ khu hành chính ra biển, du khách sẽ bắt gặp ngay Vườn tượng danh nhân y học với gần 50 trụ tượng cao khoảng 2m nằm trong rừng dầu, phi lao. Trên mỗi trụ là tượng bán thân của một danh nhân y học nổi tiếng từ cổ đến kim của thế giới và Việt Nam như: Hippocrate, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, A.Yersin, L. Pasteur, Tôn Thất Tùng…nhằm để lưu danh những người đã có công nghiên cứu, xây dựng và phát triển với nền y học nói chung và với trại phong nói riêng.

Vườn tượng danh nhân y học

Nhà đàn

Phù điêu người khắc khổ

Bia tưởng niệm nơi an táng đầu tiên của nhà thơ Hàn Mặc Tử

Bệnh phong bây giờ đã không còn bị đặt trong cái nhìn không đầy đủ thông tin như trước, bệnh không lây nhiễm và đã có thể chữa khỏi bằng sự phát triển của y học. Ngôi làng phong giờ đây đang trở thành một điểm đến độc đáo, thú vị cho du khách gần xa. Độc đáo ở chỗ, làng hoàn toàn là các thế hệ người bị bệnh phong sinh sống lâu đời, giữ lại được hầu hết nét kiến trúc Gothic từ thời Pháp và không có nhà xây mới hoặc cao tầng.

Sự pha trộn giữa kiến trúc, văn hóa và lịch sử in dấu trên từng ngôi nhà đã bạc màu sương gió càng khiến làng phong trở nên riêng biệt và mang đậm nét đẹp hoài cổ.

Hoa giấy điểm sắc màu cho cuộc sống đánh thức các giác quan. Cuộc sống không còn những khoảng cách, thiên nhiên như đền bù và xoa dịu đi những đau đớn do căn bệnh quái ác gây ra

Đến hôm nay, khi thời gian đã trôi đi gần thế kỷ, khu điều trị phong Quy Hòa vẫn luôn là một trong những bệnh viện đẹp và độc đáo nhất trên thế giới. Tất cả các bệnh nhân phong đều coi Quy Hòa như một mái ấm, một nơi bù đắp tình thương cho những con người phải chịu nhiều nỗi đau cả về thể xác lẫn tâm hồn.

Ngoài ra, mảnh đất Quy Hoà còn được chọn là nơi “ngắm nhìn vũ trụ” ICISE- là một trong 16 trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục có kiến trúc đẹp nhất thế giới. Ít ai nghĩ rằng thung lũng Quy Hòa ngày nay lại là nơi “thánh đường của khoa học”, hội tụ của những thiên tài toán học, vật lý, hóa học hàng đầu thế giới, trong đó có những người từng đoạt giải Field, Nobel… Họ đến Quy Hòa, nơi có những bệnh nhân phong đau khổ, để thay họ phóng tầm mắt nhìn vào vũ trụ với bao mơ ước của con người…

“Tôi chọn Quy Hòa để đặt ICISE và tổ hợp không gian không chỉ vì vị trí lý tưởng của nó mà còn vì nơi đây là mảnh đất có tình người”- GS Trần Thanh Vân

NƠI Y ĐỨC ĐƯỢC ĐẶT LÊN HÀNG ĐẦU

Trải qua hơn 93 năm hoạt động và trưởng thành, từ một tu viện chữa trị đã trở thành Bệnh viện đa khoa lớn hội tụ đầy đủ các yếu tố: thiên thời, địa lợi và nhân hoà. Bệnh viện đã đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ khám chữa bệnh phong và các chuyên khoa khác. Đặc biệt, sẽ hướng tới xây dựng thành một bệnh viện đa khoa vùng Nam Trung bộ, có cơ sở hạ tầng khang trang, xanh – sạch – đẹp, có thiết bị y tế hiện đại và đồng bộ, có đội ngũ cán bộ viên chức đông đảo và tài năng, cùng với sự đổi mới và cải tiến công tác quản lý. 

Bệnh viện đã cải tiến chất lượng, cơ sở vật chất, dịch vụ y tế hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hoà được Bộ Y Tế bầu chọn là “Bệnh viện Xanh – Sạch – Đẹp”

Đội ngũ y bác sĩ với tay nghề cao cùng với lòng nhiệt huyết hết tâm với nghề, với bệnh nhân như những người thân trong nhà khi họ biết chính mình mang trách nhiệm là điểm bấu víu cuối cùng của những người bệnh. Đọng lại nơi đây, chính là những giá trị nhân văn về tình người, gạt bỏ sự kỳ thị để mang đến cho bệnh nhân phong một cuộc sống thanh bình, hạnh phúc.

Nơi điều trị tinh thần đến thể chất

Nhiệm vụ của Bệnh viện không còn đơn điệu, lẻ loi là điều trị – phục hồi chức năng cho bệnh nhân Phong, không còn bó hẹp trong làng phong Quy Hòa, mà đã mở rộng khám – điều Đa khoa từ năm 2009 cho nhân dân tỉnh Bình Định nói riêng và nhân dân khu vực miền Trung & Tây nguyên nói chung với các mũi nhọn: Da liễu, Phẫu thuật Thẩm mỹ, chăm sóc da, nội – ngoại khoa, sản, nhi, Cơ xương khớp… Nhưng vì để giữ nguyên giá trị về lịch sử nên bệnh viện đã không đổi tên thành Bệnh viện Đa khoa mà vẫn chọn tên Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hoà, nơi cội nguồn đã cưu mang đối với người bệnh phong.

Rời làng phong Quy Hòa, trong chúng tôi vẫn còn nhiều băn khoăn, lưu luyến. Những mảnh đời ở làng phong Quy Hòa đang cần lắm những vòng tay nhân ái của mọi người, để cuộc sống của họ phần nào bớt đi khó khăn, vất vả…

Như một dấu chấm lặng giữa biển và phố, Quy Hòa ngày nay đã có rất nhiều thay đổi và trở thành điểm đến của nhiều người. Xưa kia, người ta gọi nơi đây là “làng cùi” – cái tên gây cho ta cảm giác xa lánh, hắt hủi. Làng phong hôm nay không còn phải đóng kín cửa, nhiều người đã chữa khỏi bệnh, và mở ra những hy vọng mới cho thế hệ thứ hai, thứ ba… Những ngôi nhà xinh xắn giàu ý nghĩa nhân văn nơi đây sẽ mãi in đậm trong lòng du khách. Chỉ biết rằng nơi này, bằng cách kỳ diệu nào đó, vẫn lưu giữ được hầu hết những vẻ đẹp từ quá khứ như một câu chuyện cổ tích thật đẹp để bất cứ ai đến đây vẫn có thể nghe và kể được câu chuyện của chính mình.

Cứ thế, trong mấy mươi năm qua, thung lũng Quy Hoà tồn tại theo một quỹ đạo riêng đầy tình thương và đong đầy thứ hạnh phúc của bình dị, giản đơn.

Tĩnh lặng, mong manh

Một cảm giác rất lạ nếu ai đó lần đầu đến làng phong Quy Hòa. Tất cả đều tĩnh lặng. Bến cá nơi khác vốn xô bồ nhưng ở đây không hề rộn ràng mua bán. Người quen gặp nhau trong làng chỉ chào hỏi đủ nghe. Trong mỗi mái nhà, tiếng cười cũng chỉ đủ ấm. “Cái gì ở đây cũng dễ vỡ. Tình yêu, lòng tự trọng và cả tính mạng con người cũng mỏng manh. Chính họ và cả chúng tôi đang cố giữ cho sự mỏng manh ấy không vỡ. Vì thế mà nơi đây luôn yên bình” – một bác sĩ ở Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa nhận xét.

Show More

Related Articles

Back to top button