fbpx
Chuyên đề KCBDa liễu chuyên sâuTin nổi bật

Phát triển Thang điểm mới đánh giá điều trị bệnh bạch biến

Người dịch: Quang Tiến

Các nhà nghiên cứu ở Pháp đã phát triển và thông qua một công cụ đánh giá gánh nặng bệnh da liễu có tên là Thang điểm đánh giá tác động của điều trị đối với bệnh nhân bạch biến (VIT – Vitiligo Impact Treatment).

Thang điểm này được kiểm tra trong một quần thể lớn bệnh nhân bạch biến, thông qua công cụ đánh giá mức độ triệu chứng bệnh nhân chấp nhận được (PASS) sẽ giúp xác định những bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi việc điều trị.

Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Tiến sĩ, Bác sĩ da liễu Julien Senechal, Bệnh viện Saint André, Bordeaux, tin rằng công cụ theo dạng bảng câu hỏi khảo sát này sẽ được sử dụng để phát triển các phương pháp tiếp cận lấy bệnh nhân làm trung tâm trong việc quản lý bệnh bạch biến bằng cách cá nhân hóa sự thích ứng của các phác đồ điều trị nhằm hướng tới sự cân bằng giữa lợi ích và gánh nặng điều trị.

Họ cũng ghi nhận tác động “tàn phá” đối với chất lượng cuộc sống và lòng tự trọng cũng như các bệnh tâm thần đi kèm bệnh bạch biến có thể xuất hiện trên 0,1% đến 2% dân số thế giới bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này và những thách thức liên quan đến lựa chọn phác đồ điều trị thích hợp.

Nghiên cứu này được thực hiện trong khuôn khổ của một dự án nghiên cứu thuần tập trực tuyến đang được triển khai có tên là ComPare. Trong đó, mục tiêu của nghiên cứu là phát triển và thông qua một thang điểm tự đánh giá gánh nặng của việc điều trị ở bệnh nhân bạch biến.

Phương pháp nghiên cứu

Bác sĩ Senechal và các đồng nghiệp đã sử dụng phương pháp đa tầng để phát triển một bảng câu hỏi nhằm đo lường gánh nặng của bệnh nhân bạch biến.

Các nhà điều tra ban đầu đã tiến hành tìm kiếm trên PebMEd các bảng câu hỏi hoặc hệ thống tính điểm đã xuất bản liên quan đến việc đánh giá tác động đến chất lượng cuộc sống và gánh nặng của việc điều trị bệnh bạch biến.

Trong số các thang điểm đánh giá chất lượng cuộc sống liên quan bệnh bạch biến, một số công cụ như VIS (vitiligo impact scale), VIPs (vitiligo impact patient scale) và VitiQoL (vitiligo life quality index) có liên quan đến gánh nặng điều trị.

Tính đến tháng 12 năm 2020, nhóm thuần tập trong nghiên cứu ComPaRe bao gồm 42.000 bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính. Tổng số 343 bệnh nhân bạch biến độ tuổi trưởng thành từ nhóm thuần tập đã được đưa vào nghiên cứu hiện tại.

Bệnh nhân tham gia nghiên cứu được cho trả lời một cuộc khảo sát trực tuyến với các câu hỏi mở nhằm khám phá các khía cạnh khác nhau của bệnh bạch biến. Các câu trả lời của họ sẽ được phân tích và sử dụng để xác định 24 chủ đề liên quan đến gánh nặng bệnh tật.

Mỗi chủ đề được chuyển đổi thành một bảng câu hỏi và được đánh giá với thang điểm Likert 4 điểm: “Không đồng ý” (1), “Hơi đồng ý” (2), “Đồng ý” (3), “Hoàn toàn đồng ý” (4) và “Không quan tâm” ”(0).

Tính hợp lệ về cấu trúc của công cụ này được đánh giá bằng cách so sánh số điểm đạt được với số điểm đánh giá bằng các công cụ như DLQI (Dermatology Life Quality Index), VIPs và TBQ (Treatment Burden Questionnaire).

Kết quả nghiên cứu

Kết thúc nghiên cứu, một bảng câu hỏi gồm 19 mục đã được phát triển để đánh giá gánh nặng điều trị ở bệnh nhân bạch biến thông qua 4 khía cạnh: tìm bác sĩ, điều trị bằng thuốc bôi, điều trị bằng ánh sáng, và tác động đến các hoạt động ngoài trời và bảo vệ khỏi ánh sáng mặt trời.

Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng công cụ của họ đã bổ sung các thang điểm hiện có về đánh giá chất lượng cuộc sống da liễu như DLQI và VIP, và họ tin rằng công cụ này đáp ứng nhu cầu còn thiếu trong nghiên cứu lâm sàng về bệnh bạch biến bằng cách xác định gánh nặng điều trị là kết quả cốt lõi.

Ngoài ra, họ tin rằng thang điểm này có thể được sử dụng trong thực hành lâm sàng như một công cụ đánh giá toàn diện dễ sử dụng để xác định bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi việc điều trị với mốc trên 48,5 theo thang điểm VIT (PASS) là có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Mặc dù nghiên cứu được thực hiện dựa trên gánh nặng của bệnh bạch biến, Bác sĩ Senechal và cộng sự cho rằng “các nghiên cứu trong tương lai có thể tìm cách khái quát hoá công cụ bệnh nhân tự báo cáo của chúng tôi để ứng dụng cho các bệnh viêm da mãn tính khác”.

Nghiên cứu này đã được xuất bản trực tuyến trên Tạp chí của Học viện Da liễu Châu Âu.

Nguồn: dermatologytimes.com

Show More

Related Articles

Back to top button