Phòng ngừa bệnh tật cho người dân sống quanh điểm nóng về phơi nhiễm chất độc hóa học
Nguồn: Minh Châu (Báo Nhân Dân)
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, tại Việt Nam hiện còn tồn tại ba điểm nóng về phơi nhiễm chất độc hóa học/đi-ô-xin (là khu vực các sân bay Ðà Nẵng, Phù Cát và Biên Hòa). Do vậy việc nghiên cứu và triển khai các biện pháp phòng ngừa bệnh tật cho người dân sinh sống chung quanh các khu vực nêu trên là việc làm rất cần thiết.
Các nghiên cứu cho thấy, nồng độ chất độc hóa học/đi-ô-xin tại các vùng điểm nóng cao gấp từ bốn đến bảy lần so với các vùng không bị phun, rải chất độc hóa học (CÐHH). Những người dân sinh sống chung quanh các vùng điểm nóng về phơi nhiễm CÐHH/đi-ô-xin hằng ngày tiếp xúc với nguồn phơi nhiễm, cho nên cần được chăm sóc, theo dõi quản lý sức khỏe và hướng dẫn biện pháp phòng ngừa phơi nhiễm với CÐHH. Nhằm thực hiện mục tiêu đó, từ năm 2018, Bộ Y tế triển khai dự án “Chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân CÐHH/đi-ô-xin giai đoạn 2018 – 2021” và đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể chung quanh sân bay Phù Cát, ở xã Cát Tân, huyện Phù Cát (tỉnh Bình Ðịnh),
Ngay khi triển khai, dự án tổ chức tập huấn cho cán bộ tuyến huyện và xã vùng điểm nóng về phơi nhiễm CÐHH về sàng lọc định kỳ nhằm phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe, lập hồ sơ quản lý sức khỏe, xác định nhu cầu về chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng (PHCN). Hoạt động này nhằm chuyển giao kiến thức cho cán bộ tuyến huyện và xã tại vùng dự án về sàng lọc định kỳ nhằm phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe, lập hồ sơ quản lý sức khỏe, xác định nhu cầu về chăm sóc sức khỏe và PHCN của người dân.
Bệnh viện Phong – Da liễu T.Ư Quy Hòa, một trong những đơn vị triển khai dự án đã tổ chức các lớp tập huấn cho 30 học viên gồm cán bộ trạm y tế, cộng tác viên, ban, ngành xã Cát Tân. Ðồng thời, trực tiếp phối hợp các cán bộ y tế tuyến dưới thực hiện sàng lọc phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe, lập hồ sơ quản lý sức khỏe, lập danh sách người dân có nhu cầu về chăm sóc sức khỏe và PHCN. Ðến nay, đã triển khai sàng lọc cho 11 nghìn người dân được quản lý sức khỏe, phát hiện nhu cầu khám, chữa bệnh, PHCN. Khoảng 600 nạn nhân được khám sàng lọc định kỳ để lập danh sách những người có vấn đề về sức khỏe. Tổ chức được khoảng 220 lượt nạn nhân được tiếp đón, tổ chức cung cấp dịch vụ khám, chữa hoặc điều dưỡng, PHCN tại các cơ sở theo nhu cầu của nạn nhân, trong đó có hàng chục nạn nhân được thực hiện các ca phẫu thuật. Ðáng chú ý, 95% số người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị mắc bệnh, tật có liên quan đến CÐHH/đi-ô-xin được lập danh sách, hồ sơ quản lý sức khỏe. Ðã có 40% số nạn nhân, người khuyết tật tại cộng đồng có nhu cầu tư vấn sức khỏe và PHCN được cán bộ y tế và tình nguyện viên, người nhà hướng dẫn, theo dõi các vấn đề về sức khỏe.
Các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của CÐHH lên sức khỏe con người, biện pháp phòng tránh bệnh, tật, dị tật, dị dạng có liên quan đến phơi nhiễm CÐHH/đi-ô-xin cũng được quan tâm triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, dễ hiểu. Mặt khác, cũng vận động chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp hỗ trợ những người trong các gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên, gia đình thuộc diện chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế. Ðược biết, thời gian tới, Bệnh viện Phong – Da liễu T.Ư Quy Hòa sẽ đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ nạn nhân, người khuyết tật thông qua khám sàng lọc, tổ chức thu dung, tiếp đón nạn nhân và người nhà đến các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh và PHCN.