fbpx
Đào tạoHội nghị - Hội thảoTin nổi bật

So sánh gánh nặng bệnh tật giữa bệnh vẩy nến thể mủ toàn thân và bệnh vẩy nến thể mảng

Người dịch: Quang Tiến

Theo một nghiên cứu hồi cứu tại Nhật Bản được công bố trên tạp chí Journal of Dermatology, bệnh vẩy nến thể mủ toàn thân (Generalized pustular psoriasis – GPP), một bệnh da toàn thân nặng hiếm gặp, yêu cầu cần được chăm sóc sức khỏe và gây ra gánh nặng bệnh kèm theo cao hơn so với bệnh vẩy nến thể mảng.

Nghiên cứu bao gồm dữ liệu bệnh nhân điều trị GPP nội trú và ngoại trú từ các bệnh viện ở Nhật Bản (số lượng: 718; tuổi trung bình: 60,9; nam giới: 48,5%) và bệnh nhân điều trị vẩy nến thể mảng (số lượng: 27,773; tuổi trung bình: 62,9 tuổi; nam giới: 61,3%). Nhóm chứng gồm 2867 người không mắc GPP hoặc vẩy nến (tuổi trung bình: 60,9 tuổi; nam giới: 48,4%).

Các bệnh nhân tham gia nghiên cứu được theo dõi trong 12 tháng. Sau khi phân tích, các nhà nghiên cứu so sánh tỷ lệ mắc bệnh đi kèm, sử dụng thuốc và cần được chăm sóc sức khỏe giữa các nhóm đối tượng.

Bệnh nhân GPP có nguy cơ mắc bệnh đi kèm cao hơn đáng kể so với bệnh nhân vảy nến thể mảng. Các bệnh đi kèm phổ biến nhất ở bệnh nhân GPP so với bệnh nhân vẩy nến thể mảng và nhóm chứng là viêm khớp vẩy nến (lần lượt là 12,9% so với 3,6% và 0,0%), các thể bệnh vẩy nến khác (6,0% so với 3,9% và 0,0%), viêm loét dạ dày tá tràng (27,0% so với 20,7% và 10,0%), loãng xương (22,1% so với 12,8% và 5,7%), và viêm phổi mô kẽ (8,1% so với 4,7% và 1,1%).

So với những bệnh nhân vảy nến thể mảng, bệnh nhân GPP thường được điều trị bằng thuốc bôi steroid, các liệu pháp toàn thân hoặc sinh học hơn (79,7% so với 88,4%) trong thời gian theo dõi 12 tháng.

Tỷ lệ bệnh nhân GPP chỉ điều trị bằng thuốc bôi steroid thấp hơn so với bệnh nhân vảy nến thể mảng (tương ứng là 14,0% so với 42,0%), trong khi tỷ lệ điều trị đồng thời bằng thuốc bôi steroid và liệu pháp không sinh học toàn thân của bệnh nhân GPP lại cao hơn (42,3% so với 23,9 %).

Bệnh nhân GPP cũng thường điều trị thêm bệnh đi kèm hơn so với nhóm bệnh nhân vẩy nến thể mảng và nhóm chứng. Các loại thuốc điều trị bệnh đi kèm bao gồm thuốc hạ huyết áp, thuốc điều trị tâm thần, thuốc kháng sinh và những tác nhân nonbenzodiazepine.

Bệnh nhân GPP có số lần khám ngoại trú trung bình trong thời gian nghiên cứu cao hơn so với nhóm bệnh nhân vẩy nến thể mảng và nhóm chứng (trung bình lần lượt là 15,7 so với 13,8 và 7,5 lượt khám). Bệnh nhân GPP cũng có số lần nhập viện nội trú kéo dài trên 24 giờ nhiều hơn (35,5% so với 23,0% và 11,6%).

Ngoài ra, bệnh nhân GPP có chi phí nhập viện do mọi nguyên nhân cao hơn đáng kể (trung bình 1,67 triệu yên so với 868,7 ngàn yên của bệnh nhân vẩy nến thể mảng và 292,0 ngàn yên của nhóm chứng).

Hạn chế của nghiên cứu này là tính tổng quát của kết quả bị ảnh hưởng do thiết kế hồi cứu của nó cũng như việc không bao gồm những bệnh nhân không điều trị tại các bệnh viện được đưa vào nghiên cứu.

Các nhà nghiên cứu hy vọng kết quả nghiên cứu “sẽ củng cố nhu cầu phát triển lộ trình điều trị và quản lý dành riêng cho bệnh nhân GPP và khuyến khích phát triển các phương pháp thực hành quản lý bệnh tật cho bệnh nhân GPP.”

Nguồn: dermatologyadvisor.com

Show More

Related Articles

Back to top button