Sự kết hợp giữa các phương pháp phẫu thuật và không phẫu thuật có thể mang lại lợi ích trong điều trị sẹo mụn trên mặt
Theo một đánh giá được công bố trên Tạp chí Skin Research & Technology, những tiến bộ gần đây đã đưa ra các giải pháp đầy hứa hẹn cho những bệnh nhân đang tìm cách điều trị sẹo mụn trên mặt, kết hợp giữa phương pháp phẫu thuật và không phẫu thuật.
Một số yếu tố có thể gây viêm liên quan đến mụn trứng cá, bao gồm nội tiết tố androgen, tăng tiết bã nhờn, sừng hóa bất thường, tăng sinh Propionibacteria Acnes và phản ứng viêm của tế bào lympho, đại thực bào và bạch cầu trung tính.
Image credit: © boyloso – stock.adobe.com
“Hiện nay, sẹo mụn vẫn là một thách thức đối với các bác sĩ da liễu vì đây là di chứng thường gặp của mụn trứng cá. Nghiên cứu khoa học và thử nghiệm lâm sàng nhằm cải thiện sẹo mụn vẫn là chủ đề nghiên cứu nóng trong y học. Hiện nay có rất nhiều cách cải thiện sẹo mụn hiệu quả. Tuy nhiên, mỗi phương pháp điều trị mụn trứng cá đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, có thể được tối ưu hóa bằng liệu pháp kết hợp để đạt được kết quả tốt hơn”, các tác giả nhận định.
Các phương pháp điều trị không phẫu thuật bao gồm điều trị bằng ánh sáng, laser xâm lấn, laser không xâm lấn, liệu pháp peel da bằng hóa chất, tiêm filler, liệu pháp lăn kim và phẫu thuật căng chỉ. Laser xâm lấn, chẳng hạn như laser CO2, kích thích tái tạo collagen và cải thiện mô sẹo. Các loại laser không xâm lấn, như laser nhuộm xung và erbium glass lasers, giúp làm giảm sẹo lõm chân vuông. Nghiên cứu nhấn mạnh vai trò của liệu pháp peel da bằng hóa chất trong việc thúc đẩy quá trình tẩy da chết và sản xuất collagen. Tiêm filler, liệu pháp lăn kim và phẫu thuật nâng cơ bằng chỉ là những phương pháp khác để cải thiện sẹo mụn, mỗi phương pháp đều có những lợi ích và cân nhắc riêng đối với các loại sẹo khác nhau.
Dermabrasion là phương pháp mài mòn một cách cơ học các lớp bề mặt của da, thúc đẩy quá trình tái tạo biểu mô, tái tạo sắc tố và sản xuất collagen. Ban đầu có hiệu quả đối với những vết sẹo nông, nhưng nó có tác dụng hạn chế đối với những vết sẹo sâu hơn như sẹo lõm đáy nhọn và sẹo teo. Mặc dù có thể đạt được kết quả đáng kể nhưng độ sâu của nó phải được kiểm soát cẩn thận để tránh các biến chứng như sẹo mới, đau, ban đỏ và rối loạn sắc tố. Mặc dù có hiệu quả nhưng phương pháp mài mòn da đang dần được thay thế bằng các phương pháp điều trị khác do những biến chứng nói trên và khả năng dung nạp thấp hơn.
Phương pháp điều trị Punch, bao gồm nâng mô sẹo, cắt bỏ mô sẹo và ghép da, nhắm đến các loại sẹo mụn khác nhau. Nâng sẹo giúp giảm tình trạng teo của mô, cắt bỏ mô sẹo sẽ loại bỏ sẹo lõm đáy nhọn và ghép da để điều chỉnh các kết cấu không đều. Có thể kết hợp điều trị laser để nâng cao hiệu quả. Mặc dù có thể vẫn còn một số hạn chế nhưng Punch là biện pháp cuối cùng đối với những vết sẹo sâu.
Liệu pháp cắt đáy sẹo điều trị sẹo mụn đáy tròn hiệu quả nhưng ít hiệu quả hơn đối với sẹo lõm chân vuông. Nó được kết hợp với các phương pháp điều trị khác như lăn kim hoặc liệu pháp laser để có kết quả tốt hơn và ít biến chứng hơn. Tuy nhiên, người thực hiện phải có tay nghề cao để giảm thiểu rủi ro và đạt được kết quả tối ưu.
Liệu pháp kết hợp điều trị sẹo mụn là việc sử dụng nhiều phương pháp điều trị để nâng cao kết quả. Sự kết hợp phổ biến bao gồm laser với huyết tương giàu tiểu cầu (PRP), cung cấp các yếu tố tăng trưởng để sửa chữa mô. Các nghiên cứu cho thấy tính ưu việt của PRP so với các phương pháp điều trị khác như axit trichloroacetic hoặc vitamin C.
Ngoài ra, các liệu pháp tế bào gốc, chẳng hạn như tế bào gốc có nguồn gốc từ mỡ và exosome, cho thấy nhiều hứa hẹn trong việc cải thiện kết cấu da và khả năng chữa lành. Các liệu pháp xuất hiện gần đây như thuốc mỡ có thành phần tăng trưởng biểu bì và exosome từ tế bào gốc mô mỡ mang đến những cải tiến trong điều trị sẹo mụn, thường mang lại kết quả tốt hơn và giảm tác dụng phụ so với các phương pháp truyền thống.
Các tác giả kết luận: “Kế hoạch điều trị cụ thể nên được cá nhân hóa tùy theo tình trạng của bệnh nhân. Trước khi thực hiện kế hoạch điều trị, việc điều trị sẹo thử nghiệm có thể được tiến hành trên quy mô nhỏ để đánh giá hiệu quả và độ an toàn. Đồng thời, việc thiết kế kế hoạch điều trị cũng cần xem xét các yếu tố khác như kỳ vọng của bệnh nhân, thời gian hồi phục và chi phí kinh tế.”
Người dịch: Hồ Thu Linh
Nguồn: https://www.dermatologytimes.com