Suýt chết vì… dị ứng thuốc
Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa, đã cấp cứu nhiều bệnh nhân trong cơn “thập tử nhất sinh” do… dị ứng thuốc (DƯT).
Tự ý dùng thuốc và hiểm họa của “thầy lang”
Hiện, tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa, vẫn còn 2 bệnh nhân bị DƯT nặng đang được điều trị tích cực.
Cách đây gần một tháng, chị Lê Thị Thu H., 31 tuổi, quê ở huyện An Nhơn, được người nhà đưa vào Bệnh viện cấp cứu khi da bị tuột toàn thân, sốt cao, đe dọa tử vong. Sau khi cấp cứu, hồi sức tích cực và làm các xét nghiệm, chị H. được chẩn đoán mắc hội chứng Lyell do DƯT, hội chứng thận hư và nhiễm khuẩn huyết.
Trước đó, chị H. đã được điều trị hội chứng thận hư, bệnh sán lá gan lớn và nhiễm khuẩn huyết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Sau khi về nhà khoảng một tuần, thấy bị ngứa ở mặt, chị H. đã tự mua thuốc tiêu ban lộ uống. Từ đây, toàn thân chị xuất hiện ban đỏ và các bọng nước; miệng, mắt, mũi và bộ phận sinh dục bị chợt, loét. Chị H. lại tìm đến “thầy lang” chữa bằng cách… nhai lá cây phun lên người. Kết quả là các bọng nước bị nhiễm trùng; chị H. rơi vào tình trạng sốt cao, bọng nước bị lột, toàn thân sưng đỏ, nóng rát và chảy nước.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thời Loan, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, cho biết, trong nhiều trường hợp DƯT, trường hợp chị H. là rất nặng, tiên lượng bệnh xấu. Bệnh nhân lại quá yếu sau đợt điều trị hội chứng thận hư, sán lá gan lớn, nhiễm khuẩn huyết, lại ăn chay kéo dài nên không đủ sức chống đỡ. Nhiều kháng sinh dùng cho bệnh nhân gần như không còn tác dụng do vi khuẩn kháng thuốc. “Qua thời gian điều trị tích cực hơn 20 ngày, đến thời điểm này, chúng tôi khẳng định bệnh nhân đã ổn định về DƯT và có thể xuất viện” – bác sĩ Loan nói.
Cũng tại khoa Hồi sức cấp cứu, một trường hợp DƯT nặng khác nhập viện 3 ngày trước với biểu hiện của hội chứng Stevens Johnson điển hình: mắt, miệng và bộ phận sinh dục đều bị viêm loét kèm theo da toàn thân đỏ, phù nề và xuất hiện bọng nước rải rác. Đó là bệnh nhân Phan Thị K., 41 tuổi, ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, mắc bệnh động kinh nhiều năm, bị DƯT do uống thuốc tự mua, không theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nguy hiểm đến tính mạng
Thuốc là “con dao hai lưỡi”, nếu sử dụng không đúng cách sẽ để lại những hậu quả khó lường. Tuy nhiên, trong thực tế, hiện tượng sử dụng thuốc sai, để lại hậu quả đau lòng, vẫn xảy ra “như cơm bữa”.
Bác sĩ Loan cho biết: “Biểu hiện của DƯT có thể xuất hiện ngay sau khi uống thuốc nhưng cũng có thể xuất hiện sau nhiều ngày. Trường hợp nhẹ, DƯT gây nổi mề đay, mẩn ngứa; trường hợp nặng gây sốc phản vệ, hội chứng Steven Jonhson, hội chứng Lyell…, một số trường hợp gây tổn thương gan, thận, thậm chí tử vong. Phải theo dõi và điều trị tích cực mới có thể giúp người bệnh hồi phục”.
Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng DƯT. Đó có thể là do đặc trưng cơ địa (cùng loại thuốc, cùng liều lượng nhưng người này bị còn người khác thì không). Nhưng đáng cảnh báo nhất là tình trạng bệnh nhân tự ý dùng thuốc bừa bãi qua mách bảo, không theo kê đơn, dùng thuốc Nam không đúng cách hoặc tin lời các “thầy lang” càng khiến cho tình trạng DƯT trầm trọng hơn.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Tân, Giám đốc Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa, cho biết, mỗi năm, Bệnh viện tiếp nhận hàng chục bệnh nhân DƯT. Trên thực tế, số ca bệnh ngày càng tăng, như năm 2010, Bệnh viện tiếp nhận 26 trường hợp DƯT thì chỉ trong 9 tháng đầu năm nay đã có đến 31 trường hợp. Điều đáng nói, phần lớn bệnh nhân vào viện khi đã có biểu hiện nặng như: sốt cao, phỏng nước và chợt da toàn thân, có nguy cơ nhiễm trùng huyết… Điều trị những ca bệnh này rất tốn kém, khoảng 10-40 triệu đồng/trường hợp. Trong khi đó, nếu bệnh nhân đến viện sớm thì chi phí chỉ còn 1/10 và thời gian điều trị cũng được rút ngắn. Trong trường hợp bị sốc phản vệ hay gặp các hội chứng nặng, nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân khó tránh khỏi tử vong.
Nguồn: Thu Hiền
http://www.baobinhdinh.com.vn/chinhtri-xahoi/2011/9/116648/