Tạo hình vú phì đại và sa trễ
- ĐẶC ĐIỂM CHUNG
- Đặc điểm vú bình thường.
Vú có hình dáng bán cầu với mặt trên bầu vú hơi võng xuống, vùng quầng núm vú nằm ở gần đỉnh của bán cầu. vị trí lý tưởng của quầng vú được xác định bằng các kính thước như sau:
– Khoảng cách từ cực trên quầng vú tới hõm chạc ức khoảng 17 cm
– Khoảng cách từ cực bên trong quầng vú tới đường giưa khoảng 9,5 cm
– Khoảng cách từ cực dưới quầng vú tới nếp vú khoảng 5 cm
– Đường kính của quầng vú khoảng từ 2,5 cm đến 5 cm
- Vú phì đại
– Là tình trạng bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng tăng thể tích của vú trên mức bình thường, gây ra bởi sự phát triển của tuyến vú kèm theo sự thâm nhập tổ chức mỡ.
– Tuy nhiên khái niệm vú bình thường cũng khác nhau tùy thuộc vào các chủng tộc và quan niệm về thẫm mỹ.
Theo nhiều nhà nghiên cứu vú được coi là bình thường khi thể tích vú nằm trong khoảng 250ml, khi thể tích vú tăng lên trên 300ml thì được coi là phì đại. Có các mức độ phì đại như sau:
+ Phì đại vừa phải: thể tích vú từ 300ml đến 500ml
+ Phì đại nhiều: thể tích vú từ 500ml đến 1000ml
+ Phì đại rất nhiều: thể tích vú từ 1000ml đến 1500ml
+ Phì đại khổng lồ: thể tích vú lớn hơn 1500ml
– Phì đại có thể xảy ra ở tuổi dậy thì hay sau thời kỳ chửa đẻ
– Vú to gây nhiều khó chịu tại chỗ như: loét nếp vú, trở ngại khi mặc áo, vận động, hay những biến đổi về tư thế (gù do gập vai để che dấu ngực).
- Vú sa trễ
Vú được coi là sa trễ khi khi vị trí của núm vú di chuyển xuống dưới thấp và vào trong so với vị trí bình thường.
Phân độ:
Độ 1: Núm vú hạ thấp từ 2cm đến 5 cm
Độ 2: Núm vú hạ thấp từ 5cm đến 10 cm
Độ 3: Núm vú hạ thấp hơn 10cm
- Nguyên nhân sa trễ vú
Da và tổ chức tuyến vú quyết định hình thể vú. Khi có sự biến đổi của một trong hai yếu tố này sẽ dẫn đến trình trạng sa trễ vú
– Sa trễ vú do tuyến: teo nhỏ các tuyến vú và có sự thay đổi da vùng vú, quầng núm vú sát lồng ngực và hạ thấp xuống phía dưới ở mức độ vừa phải
– Sa trễ vú do da: Mất tính chun giãn của da và tổ chức nâng đỡ (dây chằng Cooper) da vùng vú dãn dài xuống phía dưới, kéo theo sự thay đổi vị trí rõ ràng của núm vú.
- PHẪU THUẬT THU GỌN VÚ PHÌ ĐẠI.
Có nhiều kỹ thuat thu gọn vú nhưng về cơ bản có 2 loại: Thu gọn vú có ghép quầng vú và thu gọn vú không ghép quầng vú
– Phẫu thuật thu gọn vú có ghép quầng vú: Các kỹ thuật chỉ khác nhau trong đường rạch da, đơn vị quầng núm vú được ghép tự do tại vị trí mới của bầu vú
– Phẫu thuật thu gọn vú không ghép quầng vú: Khác nhau về vạt nuôi đơn vị quầng vú cũng như đường rạch da.
- Phẫu thuật thu gọn vú có ghép quầng vú:
– Áp dụng trong những trường hợp vú phì đại quá lớn, vú khổng lồ, nhưng có nhược điểm là nguy cơ hoại tử mảnh ghép, mất cảm giác quầng vú, không còn khả năng dẫn sữa.
– Kỹ thuật ghép đơn vị quầng vú: Toàn bộ quầng núm vú được lấy như một mảnh ghép da dày toàn bộ giới hạn của mảnh ghép được xác định theo đúng kích thước của quầng vú hay nhỏ hơn tuỳ theo yêu cầu tạo hình.
- Phẫu thuật thu gọn vú không ghép quầng vú:
Chuyển vị trí của đơn vị quầng núm vú mà không cần ghép tự do. Đơn vị quầng núm vú sẽ được cấp máu bằng một vạt tổ chức tại chỗ, những thay đổi kích thước chủ yếu dựa vào việc thay đổi kiểu vạt nuôi quầng núm vú: cấp máu cho vạt bởi phần tuyến dưới vạt, hay cap máu bởi da xung quanh đơn vị quầng núm vú.
2.1. Kỹ thuật thu gọn vú có vạt nuôi quầng vú từ tuyến vú: Kỹ thật Biesenberger
Bảo tồn nguồn cấp máu cho vạt quầng vú từ động mạch vú trong thông qua tuyến da vùng xung quanh quầng vú được bóc tách khỏi khối tuyến phía dưới , cắt toàn bộ một khối tuyến theo hình chữ S ở phía dưới ngoài vú. Đơn vị quầng vú dính liền với khối tuyến còn lại khâu treo phần tuyến vú còn lại và cắt bỏ phần da thưa, chuyển vạt nuôi quầng vú đến vị trí mới và khâu đóng da.
2.2. Kỹ thuật thu gọn vú có vạt nuôi quầng vú từ xa
Bảo tồn được cấp máu và cảm giác cho vùng quầng vú thông qua vạt da tại chỗ
Được chỉ định rộng rãi cho các dạng vú phì đại
– Kỹ thuật vạt da – tuyến mang quầng vú:
Quầng vú được cấp máu từ lớp trung bì xung quanh và lớp tuyến phía dưới
– Kỹ thuật vạt da mang quầng vú:
Khác với các kỹ thuật trên, vạt da mang quầng vú hoan toàn độc lập với khối tuyến phía dưới
III. PHẪU THUẬT VÚ SA TRỄ.
Chỉ định dựa vào tình trạng vú trước khi bị sa trễ: thể tích vú bình thường hay phì đại.
– Thể tích vú bình thường:
Do sự biến đổi hình thể vú chủ yếu do teo tuyến vú, sự thay đổi da vú không nhiều nên phương pháp thích hợp nhất là đặt túi độn ngực, kích thước và hình dáng túi độn dựa vào đặc điểm của lồng ngực và kích thước vú còn lại của bệnh nhân.
– Thể tích vú phì đại:
Do sự biến đổi cả về tuyến vú và da nên các phương pháp điều trị chủ yếu tác động vào phần da của vú.
– Một số kỹ thuật:
+ Cắt một dải da ngoài vùng quầng vú
+ Cắt một dải da xung quanh quầng vú
+ Cắt da xung quanh quầng vú và phần dưới bầu vú
+ Tạo vạt mang quầng vú và cắt da theo kiểu Mc Kissock
- MỘT SỐ BIẾN CHỨNG CẦN CHÚ Ý.
– Chảy máu.
+ Xảy ra trong giai đoạn hậu phẫu , vùng vú được tạo hình căng, đau
+ Tiến hành phẫu thuật lại để cầm máu
– Nhiễm trùng
– Hoại tử
– Nang biểu bì
– Sẹo kém thẫm mỹ
– Mất cân đối 2 bên vú
Để khắc phục những biến chứng trên phẫu thuật viên cần phải tuân thủ những nguyên tắc kỹ thuật trong phẫu thuật tạo hình. Chọn kỹ thuật tạo hình phù hợp với tình trạng vú, cầm máu kỹ- dẫn lưu- băng ép thích hợp, khâu – đóng kín vết thương đúng nguyên tắc.
TÓM LẠI:
Có một bầu ngực săn chắc, gọn gàng nhưng căng tràn sức sống là mơ ước ngàn đời của chị em phụ nữ chúng ta. Tuy nhiên tạo hoá cũng thật trớ trêu bởi không phải người phụ nữ nào cũng may mắn được sở hữu cặp nhũ hoa viên mãn, theo thời gian và sau những lần sinh nở vú bị phì đại, sa trễ.
Chuyên nghành phẫu thuật tạo hình có thể cải thiện số đo, hình dáng, sẽ khắc phục những khiếm khuyết của bộ ngực bằng sự can thiệp của những kỹ thuật thẩm mỹ giúp bạn đẹp hơn và tự tin hơn trong cuộc sống.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Tiếng việt:
- Bộ môn giải phẫu (2004), Trường Đại học Y Hà Nội, Giải phẫu người, Nhà xuất bản Y học.
- Bộ môn phẫu thuật tạo hình (2000), Trường Đại học Y Hà Nội, Bài giảng phẫu thuật tạo hình.
- Lê Gia Vinh (1991). Đặc điểm phân bố mạch máu của cơ và ngoài da, Hình thái học.
- Lê Gia Vinh (2000), Cấp máu cho da, Hình thái học (Tài liệu đào tạo sau đại học).
- Tiếng pháp:
- Thion A. (1989), Annales de chirugie plastique et esthétique.
- Pierre BANZET, Jean-Marie Servant (1994), Chirurgie plastique reconstructrice et esthétique.
Huỳnh Thanh Ban