THIẾU MÁU THIẾU SẮT ẢNH HƯỞNG ĐẾN CƠ THỂ NHƯ THẾ NÀO?
Bs. Phạm Thị Thuyên
Thiếu máu thiếu sắt là gì?
Thiếu máu được xác định là tình trạng nồng độ huyết sắc tố bên trong hồng cầu thấp hơn bình thường.
Thiếu máu thiếu sắt là tình trạng lượng sắt trong cơ thể không đủ để tạo ra huyết sắc tố (hemoglobin) dẫn đến tình trạng giảm lượng huyết sắc tố và giảm lượng hồng cầu. Khi số lượng hồng cầu giảm thì các cơ quan và các mô trong cơ thể sẽ không thể nhận được đủ oxy như bình thường. Dẫn đến các triệu chứng và ảnh hưởng lên các cơ quan.
Có một số loại thiếu máu khác nhau, trong đó thiếu máu do thiếu sắt là loại phổ biến nhất.
Thiếu máu thiếu sắt có triệu chứng gì?
Hầu hết các bệnh nhân thiếu máu thiếu sắt không có triệu chứng rõ ràng và được xác định chẩn đoán thông qua xét nghiệm máu. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng tỷ lệ thuận với mức độ mất máu. Tức là khi các triệu chứng đã rõ ràng thì bệnh nhân đã mất một lượng máu khá nhiều.
Các triệu chứng phổ biến bao gồm: Da xanh lòng bàn tay, lòng bàn chân nhợt nhạt, mệt mỏi, thiếu năng lượng, khó thở khi gắng sức.
Các triệu chứng ít phổ biến hơn gồm: đau đầu, ù tai, rụng tóc, ngứa, lưỡi mất gai, đau lưỡi, thay đổi sở thích ăn uống muốn ăn vật lạ không phải là thức ăn (PICA), móng tay hình thìa…
Nguyên nhân và tầm quan trọng của tầm soát nguyên nhân thiếu máu thiếu sắt?
Cần tìm nguyên nhân thiếu máu thiếu sắt dù bất kể mức độ thiếu máu nặng hay nhẹ.
Nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt thay đổi tuỳ theo độ tuổi, giới tính, tình trạng kinh tế xã hội. Cơ thể thiếu sắt có thể do thiếu lượng sắt từ thức ăn, giảm hấp thu sắt hoặc mất máu (phổ biến nhất).
Thiếu máu thiếu sắt do mất máu:
Chảy máu qua đường tiêu hoá là nguyên nhân phổ biến nhất gây thiếu máu thiếu sắt ở nam giới cũng như phụ nữ mãn kinh. Hầu hết các bệnh nhân bị chảy máu tiêu hoá không nhận thấy bất thường về màu của phân hay không có bất kỳ thay đổi nào trong thói quen đại tiện. Các chuyên gia cũng cho rằng xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân không có nhiều giá trị trong trường hợp này. Một số nguyên nhân gây chảy máu tiêu hoá thường gặp:
Loét dạ dày: Vết loét có thể khiến dạ dày chảy máu, dẫn đến thiếu máu, trường hợp nặng có thể khiến bệnh nhân nôn ra máu hoặc đi cầu ra máu. Nhưng nếu vết loét chảy máu chậm, bệnh nhân có thể không có bất kỳ triệu chứng nào.
Ung thư đường tiêu hoá: trong một số trường hợp chảy máu tiêu hoá có thể do ung thư gây ra, thường là ung thư dạ dày hoặc ung thư đại tràng. Các chuyên gia khuyến cáo sàng lọc ung thư tiêu hoá ở những bệnh nhân lớn tuổi (trên 50 tuổi) có thiếu máu thiếu sắt.
Sử dụng thuốc chống viêm không steroid cũng có thể là nguyên nhân gây chảy máu tiêu hoá.
Chảy máu từ kinh nguyệt: kinh nguyệt nhiều, rong kinh, mang thai nhiều lần là nguyên nhân thường gặp ở phụ nữ lứa tuổi sinh sản.
Một số nguyên nhân khác như bệnh viêm loét đại tràng Crohn, hiến máu thường xuyên cũng có thể gây mất máu dẫn đến thiếu máu, hoặc nhiễm kí sinh trùng cũng có thể là nguyên nhân của thiếu máu thiếu sắt.
Thiếu máu thiếu sắt do kém hấp thu sắt từ thức ăn: gặp ở bệnh nhân phẩu thuật cắt dạ dày, bệnh rối loạn hấp thu Celiac.
Thiếu máu thiếu sắt do giảm nguồn cung sắt vào cơ thể: thiếu sắt trong chế độ ăn ở các bệnh nhân sống ở vùng kinh tế kém phát triển, phụ nữ mang thai có nhu cầu sắt tăng lên, hoặc những người ăn thuần chay có nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt hơn người bình thường do chế độ ăn của họ thiếu thịt.
Biến chứng của bệnh thiếu máu thiếu sắt lên cơ thể như thế nào?
Biến chứng thiếu máu thiếu sắt hiếm khi nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng. Mặc dù nó có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Một vài biến chứng thường gặp
Mệt mỏi, thiếu năng lượng: Thiếu máu thiếu sắt có thể dẫn đến cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng. Điều này dẫn đến giảm khả năng làm việc hiệu quả, cảm giác khó tỉnh táo hoặc giảm khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Tăng nguy cơ nhiễm trùng: Thiếu máu do thiếu sắt ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể. Làm tăng khả năng bị nhiễm trùng.
Suy tim: Người lớn bị thiếu máu nặng có thể làm nhịp tim nhanh, tăng nguy cơ suy tim.
Nguy cơ khi mang thai: Mang thai và cho con bú làm tăng nhu cầu sắt. Thiếu máu thiếu sắt ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của bà mẹ và thai nhi, liên quan đến tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở thai nhi. Các bà mẹ mang thai thiếu máu thiếu sắt có thể thường cảm thấy khó thở, mệt mỏi, đánh trống ngực, khó ngủ hay thậm chí có thể ngất xỉu. Họ cũng có nguy cơ cao bị nhiễm trùng chu sinh, tiền sản giật và chảy máu, suy giảm nhận thức sau sinh. Thiếu máu thiếu sắt gây chậm phát triển bào thai trong tử cung, sinh non, nhẹ cân, tăng nguy cơ tử vong. Thiếu máu càng sớm trong thai kỳ thì càng ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ thai nhi.
Điều trị thiếu máu thiếu sắt như thế nào?
Điều trị thiếu máu thiếu sắt bao gồm bổ sung sắt và điều trị nguyên nhân. Việc bổ sung sắt giúp cải thiện tình trạng thiếu máu ở bệnh nhân, cải thiện chất lượng sống và tình trạng thể chất của bệnh nhân.
Sắt dạng uống: là loại tiện lợi, luôn có sẵn, rẻ tiền, an toàn nên được ưu tiên sử dụng điều trị thiếu máu thiếu sắt. Tuy nhiên, sự hấp thu sắt ở ruột bị hạn chế (hấp thu tối đa 20-25 %) , hơn nữa tác dụng phụ trên đường tiêu hoá là phụ thuộc liều và cản trở sự tuân thủ điều trị ở 50 % bệnh nhân. Vì vậy, chỉnh liều lượng phù hợp có thể cải thiện khả năng dung nạp sắt. Loại sắt đã được khử (FE2+) hấp thu bằng đường uống tốt hơn sắt chưa khử (sắt 3+) nhưng gây kích ứng dạ dày nhiều hơn. Uống sắt vào lúc đói, uống kèm Vitamin C làm tăng hấp thu sắt, nhưng cũng là tăng tác dụng phụ kích ứng dạ dày. Có thể uống sắt vào bữa ăn để hạn chế tác dụng phụ này.
Khi đáp ứng điều trị, mức huyết sắc tố ( hemoglobin) sẽ tăng 2 g/dl trong 4 đến 8 tuần, một số bệnh nhân có thể cảm giác cải thiện và khoẻ mạnh ngay sau đó vài ngày. Đối với các bệnh nhân thiếu máu thiếu sắt nhẹ, mức đáp ứng xảy ra chậm hơn. Cần theo dõi đáp ứng điều trị một cách cẩn thận và lâu dài, nếu nồng độ hemoglobin không đáp ứng thích hợp, cần đánh giá lại phương pháp điều trị và nguyên nhân của việc không đáp ứng.
Nên bổ sung sắt đến khi lượng hemoglobin trở về bình thường và lượng sắt dự trữ (ferritin) trở về bình thường sau đó. Quá trình điều trị có thể mất từ 3-6 tháng.
Sắt tĩnh mạch: được cân nhắc khi bổ sung sắt đường uống không hiệu quả, hoặc trong trường hợp mất sắt nhiều và liên tục. Nhược điểm của sắt tiêm tĩnh mạch là đắt và không an toàn, cần có sự theo dõi và quản lý của bác sỹ, chuyên gia.
Chế độ dinh dưỡng và phòng ngừa bệnh thiếu máu thiếu sắt?
Hình: các thực phẩm giàu sắt
Tuân thủ một chế độ ăn hợp lý, phong phú là biện pháp hiệu quả nhất trong phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt. Các thực phẩm giàu sắt như thịt bò, gan, thận, cá chứa nguồn sắt heme chính là huyết sắc tố, trong khi sắt nonheme có trong các quả hạnh, ngũ cốc, trái cây sấy, rau xanh đậm màu… Sắt heme có tính khả dụng cao (15 -35%), ít bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn. Trong khi sự hấp thụ sắt nonheme thấp hơn nhiều ( 2 – 20%) và bị ảnh hưởng bởi các chất trong thực phẩm, tuy nhiên vì sắt nonheme có hàm lượng lớn hơn nhiều, nên cả 2 loại đều đóng góp vào dinh dưỡng sắt cho cơ thể. Vitamin C là một chất khử mạnh có vai trò trong ổn định sắt khử (Fe 2+) làm sắt dễ hấp thu hơn. Các chất làm giảm hấp thu sắt gồm: canxi, các muối cacbonat, oxalat, phosphat, và phytate… Canxi từ sữa, sữa chua, phô mai làm giảm hấp thu sắt đến 50%. Lòng đỏ trứng có phosvitin là một phosphoprotein liên kết với sắt nên làm giảm hấp thu sắt. Oxalat làm giảm hấp thu sắt nonheme là hợp chất được tìm thấy trong rau bina, cải xoăn, các loại hạt, socola, trà…Polyphenol và tanin có trong trà đen, cacao, cà phê , hay phytate trong protein đậu nành và chất xơ là các chất ức chế mạnh sự hấp thu sắt, cần tránh tiêu thụ những thực phẩm hoặc các chất này trong vòng 2 giờ trước và sau bữa ăn chính giàu sắt.
Kết luận:
Thiếu máu thiếu sắt là bệnh rất phổ biến. Trước khi tình trạng thiếu máu xảy ra, thiếu sắt đã làm ảnh hưởng đến các chức năng khác như hệ thống miễn dịch, hệ thống thần kinh, làm giảm khả năng miễn dịch, giảm hoạt động thể chất và suy giảm nhận thức.
Cần tìm nguyên nhân ở tất cả các bệnh nhân có thiếu máu thiếu sắt. Dự phòng thiếu máu thiếu sắt cần được chú trọng ở các đối tượng nguy cơ cao, đặc biệt là phụ nữ có thai.
Tài liệu tham khảo
- Guidelines for the management of iron deficiency anaemia; Gut 2011;60:1309e1316. doi:10.1136/gut.2010.228874
- Kristine Jimenez, MD, Stefanie Kulnigg-Dabsch, MD, and Christoph Gasche, MD, “Management of Iron Deficiency Anemia”Gastroenterology & Hepatology Volume 11, Issue 4 April 2015, 241 -250.
- Michael Auerbach (2020), “Anemia caused by low iron in adults (Beyond the Basics)”, https://www.uptodate.com/contents/anemia-caused-by-low-iron-in-adults-beyond-the-basics#H9
- Noran M. Abu-Ouf, MBChB, MSc, Mohammed M. Jan, MBChB, FRCPC, “The impact of maternal iron deficiency and iron deficiency anemia on child’s health”, Saudi Med J 2015 Vol. 36 (2)