Thoát vị rốn ở trẻ em: Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bs. Nguyễn Thị Thảo Nguyên
Thoát vị rốn, dân gian thường gọi là lồi rốn, tình trạng này xảy ra khi một phần ruột của trẻ phình ra qua lỗ rốn. Thoát vị rốn thường gặp và đa số là lành tính.
Thoát vị rốn của trẻ em thường tự đóng lại trong hai năm đầu đời. Mặc dù một số vẫn còn đến 4-5 tuổi hoặc lâu hơn, tình huống này nhiều khả năng cần được phẫu thuật sửa chữa.
Tại sao trẻ bị thoát vị rốn?
Lồi rốn, hay thoát vị rốn, là khi một phần của ruột thoát ra khỏi vị trí vốn dĩ của nó là trong ổ bụng.
Bao quanh rốn là một phần cơ của thành bụng được gọi là vòng rốn. Khi mang thai, dây rốn đi qua vòng rốn này để mang máu và chất dinh dưỡng nuôi em bé phát triển. Vòng rốn sẽ đóng lại ngay sau khi sinh. Nếu nó đóng muộn hoặc do vòng này lỏng lẻo, ruột sẽ chui ra và gây ra một chỗ phình ở rốn.
Thoát vị rốn được chẩn đoán như thế nào?
Các bác sĩ chẩn đoán thoát vị rốn bằng cách nhìn và cảm nhận khối lồi ở vùng rốn.
Khối này thường to hơn khi trẻ khóc và nhỏ lại hoặc biến mất khi trẻ thư giãn hoặc nằm ngửa.
Bác sĩ có thể nhẹ nhàng đẩy khối thoát vị xem khối này có trở lại đúng vị trí của nó trong bụng hay không.
Khối này có thể dễ dàng đẩy vào ổ bụng, cho thấy rằng ruột không bị mắc kẹt. Nếu ruột bị kẹt lại mà không thể đẩy vào hoặc bác sĩ đánh giá trẻ có dấu hiệu tắc ruột, hoặc biến chứng khác thì cần phải can thiệp ngay.
Thoát vị rốn được điều trị như thế nào?
Hầu hết các trường hợp thoát vị rốn này sẽ tự khỏi mà không cần can thiệp cho đến khi trẻ được 4-5 tuổi.
Trong quá trình theo dõi tại nhà, chúng ta không nên dán, băng ép hoặc đè vật gì khác lên rốn lồi để giữ nó lại. Việc này sẽ không giúp ích được gì, không xẹp khối thoát vị mà thậm chí lại gây nguy cơ bí tắc dễ nhiễm trùng, hoặc băng quá chặt gây khó thở, đôi khi tăng nguy cơ trào ngược ở trẻ nhỏ.
Phẫu thuật được chỉ định nếu: rốn lồi không hết khi trẻ đã 4-5 tuổi hoặc khối thoát vị bị kẹt (không thể đẩy vào bụng) gây tắc ruột, hoại tử ruột.
Để phẫu thuật, các bác sĩ sẽ gây mê để trẻ ngủ trong suốt quá trình phẫu thuật và không cảm thấy đau. Rạch một đường nhỏ và di chuyển ruột trở lại vị trí trong ổ bụng rồi đóng lỗ rốn hoặc điểm yếu chỗ gây thoát vị bằng các mũi khâu.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Thoát vị rốn thường tự đóng mà không cần phẫu thuật. Chúng ta chỉ cần theo dõi khối thoát vị tại nhà cho đến 4-5 tuổi.
Nhưng hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu trẻ có triệu chứng sau:
- Khối rốn lồi trở nên lớn hơn hẳn, có vẻ sưng lên hoặc cứng hơn.
- Khối này lòi ra ngoài khi trẻ đang ngủ yên hoặc nằm và không thể đẩy nó trở lại.
- Trẻ trở nên khó chịu, có vẻ bị đau khi bạn chạm vào khối thoát vị.
- Da vùng thoát vị có màu đỏ hoặc sẫm màu hơn bình thường.