Điểm tin y tế
Thuốc bổ có thể gây sốc chết người
Không riêng ca sốc thuốc kháng sinh gây tử vong vừa xảy ra tại Đà Nẵng, nhiều loại thuốc khác, thậm chí thuốc bổ, vitamin cũng có khả năng gây phản ứng sốc thuốc chết người.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đà Nẵng, hội đồng y khoa bệnh viện vừa kiểm tra, xác định nguyên nhân gây tử vong của bệnh nhân Nguyễn Hữu Tiến (sinh năm 1971, trú Hòa Vang, Đà Nẵng) có thể là do phản ứng thuốc, trong đó có thuốc kháng sinh (Milcreof).
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chấn thương sọ não, được hội chẩn, mổ cấp cứu sáng 26/9. Sau đó, ông Tiến có dấu hiệu phục hồi tốt, nói chuyện trở lại.
Đến 20 giờ 50 phút ngày 27/9, bệnh nhân được chích liền ba mũi: Hepathin (hỗ trợ gan), Citimax (hỗ trợ tăng tuần hoàn não) và Milcreof (kháng sinh). Chưa kịp hết thuốc trong mũi kim thứ 3, bệnh nhân bất ngờ co giật, trợn mắt, ngưng tim và tử vong sau chưa đầy 1 giờ sau.
BS Sử Thị Ngân, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BVĐK Đà Nẵng) lý giải: Việc tiêm thuốc được tiến hành theo đúng y lệnh, phác đồ điều trị. Việc sốc thuốc có thể do cơ địa bệnh nhân không đáp ứng.
Theo BS Ngân, đây là trường hợp hi hữu xảy ra tại bệnh viện, nhưng các trường hợp sốc thuốc dưới hình thức khác nhau vẫn xảy ra ở một vài trường hợp. Nhiều năm trước, có bệnh nhân bị sốc cùng chủng loại thuốc kháng sinh này, gây hôn mê sâu phải tiếp tục điều trị nhiều ngày mới dứt.
Khoa Nhi (giờ là Trung tâm Sản Nhi Đà Nẵng) từng tiếp nhận trường hợp cháu Trần Thị Th. (5 tuổi) trong tình trạng cả người nổi mẩn đỏ, gây ngứa ngáy, phỏng rát khó chịu sau khi được tiêm thuốc tại một bệnh viện khác trên địa bàn. Các bác sĩ cho rằng, sau khi được chích thuốc, do cơ thể không đáp ứng, bệnh nhân phản ứng thuốc gây phồng rộp, tấy đỏ.
BS Nguyễn Tiến Hồng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế Đà Nẵng) cho hay: Phản ứng thuốc có thể ở dạng dị ứng hoạc sốc phản vệ. Trong đó, sốc phản vệ được xem là một tai biến kinh hoàng, với những biểu hiện liên tục tím tái, co giật, choáng váng, khó thở… cao nhất là ngưng tim, ngưng thở.
Sốc phản vệ kéo theo hàng loạt phản ứng, như giãn tất cả vi mạch máu ngoại biên, máu không lên tim, thiếu ô xi, cơ thể tiết dịch nhiều, gây nghẽn đường hô hấp, ngưng thở.
Những trường hợp này thường chiếm một tỷ lệ nhỏ. Các nghiên cứu cho thấy, hơn 8,5% dân số Việt Nam từng bị dị ứng thuốc. Trong các ca dị ứng thuốc, sốc phản vệ chiếm khoảng 10%. Nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, bệnh nhân rất dễ tử vong (tỷ lệ khoảng 10%).
Giảm sốc cách nào?
Theo quy định của Bộ Y tế, chỉ có 2 loại thuốc kháng sinh (penicillin và streptomycin) được chỉ định kiểm tra thử trước khi tiêm cho bệnh nhân để thử phản ứng. Tuy nhiên, theo BS Hồng, tất cả loại thuốc đều có thể gây dị ứng và sốc phản vệ, từ kháng sinh, giảm đau hạ sốt, chống viêm, gây tê, gây mê đến các loại thuốc vitamin, dịch truyền, văcxin, thuốc chống nhiễm khuẩn, dị ứng… Có trường hợp tiêm thuốc gây mê để cắt amidan nhưng vẫn dẫn đến sốc thuốc tử vong.
BS Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho hay, ngay có trường hợp dùng thuốc bổ vẫn bị sốc, phản ứng. Thậm chí, có nhiều trường hợp bệnh nhân chích đến lần thứ 5 – 6 cùng loại thuốc mới bị sốc.
Để phòng ngừa và giảm tối thiểu các tai biến, tử vong do sốc phản vệ, BS Út khuyến cáo, y bác sĩ cần khai thác kỹ tiền sử dị ứng của người bệnh như: tình trạng hen phế quản, chàm, mẩn ngứa, phù Quincke…; các dị nguyên như: thuốc, thức ăn, côn trùng… gây ra dị ứng và sốc phản vệ.
Những triệu chứng này phải được ghi vào bệnh án hoặc sổ khám bệnh. Khi phát hiện người bệnh có tiền sử dị ứng hoặc sốc phản vệ với một loại thuốc nào đó, bác sĩ phải cấp cho người bệnh một phiếu theo dõi dị ứng. Từ đó, trong các đợt điều trị tiếp theo, bệnh viện loại trừ các loại thuốc có nguy cơ sốc cho bệnh nhân.
Khi kê đơn, bác sĩ cần lựa chọn loại thuốc ít có khả năng gây dự ứng, sốc. Đồng thời, bệnh nhân không tự điều trị khi ốm. Cần xem xét cả yếu tố di truyền vì khi bố mẹ có tiền sử bị dị ứng, con cái cũng có thể mắc, BS. Hồng nói (Tiền Phong 3/10).
Ngày 04/10/2011