Tiêm ‘trộn và kết hợp’ vắc-xin COVID-19: Hiệu quả khi tiêm mũi hai là vắc-xin mRNA
Người dịch: Quang Tiến
Một trong những thành tựu khoa học ấn tượng nhất ứng phó đại dịch COVID-19 là phát triển vắc-xin phòng bệnh hiệu quả trong vòng chưa đầy một năm.
Một số loại vắc-xin này, do Pfizer và Moderna sản xuất, lần đầu tiên sử dụng công nghệ vắc-xin mRNA. Chúng còn mở đường cho tiềm năng phát triển vắc-xin trong tương lai.
Những loại vắc-xin khác, chẳng hạn như Oxford-AstraZeneca, Johnson & Johnson, và Sputnik, được phát triển dựa trên công nghệ truyền thống hơn là vectơ vi rút.
Việc phát hiện ra biến chứng hiếm gặp là thuyên tắc huyết khối do tiêm vắc-xin Oxford-AstraZeneca, cùng với những khó khăn trong khả năng cung ứng vắc-xin, dẫn đến việc một số người đã phải tiêm các loại vắc-xin khác nhau cho mũi thứ nhất và thứ hai của họ.
Mặc dù đã có bằng chứng về phản ứng miễn dịch ở những người được tiêm vắc-xin truyền thống sau đó được tiêm vắc-xin mRNA, nhưng chưa có bằng chứng cho thấy liệu việc tiêm trộn hai loại vắc-xin này có khả năng bảo vệ trước vi rút SARS-CoV-2 hay không.
‘Nghiên cứu thiết lập tiêu chuẩn vàng’ chứng minh hiệu quả bảo vệ tốt nhất
Một nghiên cứu thuần tập trên toàn Thụy Điển với 721.787 người tham gia đã chứng minh rằng những người đã tiêm mũi thứ nhất là vắc-xin Oxford-AstraZeneca, sau đó tiêm mũi thứ hai là vắc-xin Pfizer hoặc Moderna có khả năng chống lại sự lây nhiễm tốt hơn những người tiêm hai mũi Oxford-AstraZeneca.
Giáo sư Monica Gandhi, giáo sư y khoa tại Đại học California, San Francisco (UCSF), chuyên gia không tham gia nghiên cứu được đăng trên tạp chí The Lancet Regional Health Trusted Source, cho biết đây chính là ‘nghiên cứu thiết lập tiêu chuẩn vàng’ mà mọi người đã chờ đợi.
Trả lời phỏng vấn của Medical News Today, giáo sư nói:
“Tôi nghĩ nghiên cứu này sẽ có thể thúc đẩy mọi quốc gia nên tiêm vắc-xin theo công nghệ vectơ DNA là mũi đầu tiên nhưng mũi thứ hai, nếu có thể trên toàn thế giới, nên là vắc-xin mRNA, bởi vì điều này là tiêu chuẩn vàng đã được nghiên cứu chứng minh. ”
Giáo sư Jeff Kwong từ Trường Y tế Công cộng Dalla Lana, Đại học Toronto, Canada, người không tham gia vào nghiên cứu, đồng ý với quan điểm của Giáo sư Gandhi.
Ông nói: “Bằng chứng từ ít nhất ba tỉnh của Canada là Ontario, British Columbia và Quebec cho thấy rằng việc tiêm một mũi Oxford-AstraZeneca và một mũi vắc-xin mRNA có vẻ tốt như tiêm hai mũi vắc-xin mRNA về mặt ngăn ngừa cả sự lây nhiễm và tình trạng nặng dẫn tới nhập viện hoặc tử vong. “
“Vì vậy, nếu một quốc gia có nguồn cung cấp cả vắc-xin Oxford-AstraZeneca và mRNA, họ có thể cân nhắc việc tiêm một mũi mỗi loại cho người dân.”
Phân tích dữ liệu công khai
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu công khai tại Thụy Điển để xác định mức độ bảo vệ chống lại sự lây nhiễm mà một liều vắc-xin Oxford-AstraZeneca tiếp theo sau là một liều vắc-xin mRNA của Pfizer hoặc Moderna mang lại.
Do luật pháp ở Thụy Điển yêu cầu các bác sĩ phải chia sẻ hồ sơ y tế về tiêm chủng và nhiễm SARS-CoV-2 cho cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu từ Đại học Umeå có thể truy cập thông tin về việc mọi người đã được tiêm chủng chưa, tiêm loại vắc xin nào và liệu họ đã nhận được chẩn đoán COVID-19 hoặc phải nhập viện sau đó hay không.
Tổng cộng, nghiên cứu này đã thu thập dữ liệu về 721.787 cá nhân; 430.100 người trong đó đã được tiêm hai mũi vắc-xin Oxford-AstraZeneca, và 110.971 người được tiêm một mũi Oxford-AstraZeneca sau đó là một mũi vắc-xin mRNA.
Các nhà nghiên cứu đã ghép những người này với một người cùng giới tính chưa được tiêm chủng sinh cùng năm và cùng khu vực sống.
Đối tượng đã tiêm chủng được theo dõi trong tối đa 183 ngày, kể từ 14 ngày sau khi tiêm mũi thứ hai để xác định xem họ có nhiễm SARS-CoV-2 hay không.
Kết quả cho thấy những người chưa được tiêm chủng có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn 3,5 lần so với những người đã được tiêm chủng.
Họ cũng nhận thấy rằng:
• Tiêm vắc-xin Oxford-AstraZeneca cung cấp khả năng bảo vệ khỏi lây nhiễm là 50%.
• Tiêm vắc-xin Oxford-AstraZeneca sau đó tiêm vắc-xin Pfizer có hiệu quả chống lây nhiễm là 67%.
• Tiêm vắc-xin Oxford-AstraZeneca sau đó tiêm vắc-xin Moderna có hiệu quả chống lây nhiễm là 79%.
Hoa Kỳ sẽ cho phép tiêm vắc-xin ‘trộn và kết hợp’?
Kết quả nghiên cứu trên được công bố cùng thời điểm với việc FDA phê duyệt phương pháp tiêm ‘trộn và kết hợp’ đối với mũi tiêm tăng cường ở Hoa Kỳ.
Điều này diễn ra sau khi báo cáo sơ bộ của một nghiên cứu do liên bang tài trợ xem xét đáp ứng miễn dịch và tính an toàn của việc tiêm trộn vắc-xin COVID-19 được công bố.
Nghiên cứu này kết luận rằng phương pháp tiêm ‘trộn và kết hợp’ là an toàn và tạo ra đáp ứng miễn dịch, nhưng nó không xem xét khả năng bảo vệ chống lại việc nhiễm SARS-CoV-2. Theo nghiên cứu, những người được tiêm mũi tăng cường vắc-xin Moderna sau một mũi duy nhất vắc-xin Johnson & Johnson cho thấy mức kháng thể tăng gấp 76 lần trong 15 ngày, so với mức tăng chỉ 4 lần sau khi tiêm thêm 01 mũi vắc-xin Johnson & Johnson bổ sung.
Tiến sĩ Gandhi giải thích với Medical News Today: “Tất cả những lập luận này giờ đã bị gạt sang một bên bởi vì đã có một nghiên cứu lâm sàng về tình trạng nhiễm bệnh có triệu chứng trong thực tế. […] Về cơ bản, những gì chúng ta cần chính là loại nghiên cứu như vậy.”
Nguồn: medicalnewstoday.com