TIÊU CHẢY DO ROTAVIRUS
BSCK1.Lê Thị Thơm
Tiêu chảy cấp do virus Rota là bệnh cấp tính do vi rút gây nên; Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các triệu chứng sốt, nôn ói, tiêu chảy, mất nước dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không điều trị kịp thời.
- Đặc điểm dịch tễ học :
– Virus Rota rất dễ lây và khó bị tiêu diệt. Chúng có thể sống vài giờ trên tay người, vài ngày trên các bề mặt và gần như miễn nhiễm với xà phòng, cồn, nước Javel…
– Phân bố: ở các nước có khí hậu ôn đới, bệnh tiêu chảy do vi rút Rota xảy ra tập trung theo mùa, nhiều nhất là mùa đông. Ở các nước nhiệt đới, bệnh xảy ra rải rác quanh năm.
– Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh xảy ra nhiều nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Ở các nước đang phát triển, hàng năm có khoảng trên 125 triệu ca tiêu chảy do virus Rota ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ càng có nguy cơ nhiễm bệnh, thường hay gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, đặt biệt là dưới 12 tháng. Mỗi năm có 500.000 trẻ em chết vì tiêu chảy, trong đó 90% trường hợp tử vong do tiêu chảy cấp do Rotavirus tại các quốc gia thu nhập thấp .
– Tại Việt Nam, đây là một bệnh rất phổ biến đứng thứ hai sau nhiễm trùng hô hấp cấp tính ở trẻ em. Ở miền Bắc, bệnh thường xảy ra vào mùa thu đông kéo dài tới mùa xuân (khi thời tiết mưa, lạnh, ẩm ướt). Ở miền Nam, bệnh xảy ra quanh năm, nhiều nhất là vào tháng ba và tháng chín. Tại Việt Nam số trường hợp nhập viện điều trị tiêu chảy cấp do Rotavirus cao nhất khu vực Đông Nam Á. 50% các trường hợp nhập viện do tiêu chảy ở dưới 5 tuổi là do Rotavirus.
- Triệu chứng và hậu quả của bệnh:
– Lâm sàng: Sau khi bị lây nhiễm khoảng 1- 2 ngày, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng: sốt cao, nôn ói và tiêu chảy nặng kéo dài.
+ Nôn xuất hiện trước tiêu chảy khoảng 6-12 giờ và có thể kéo dài 2-3 ngày. Trẻ nôn rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu đi tiêu chảy.
+ Tiêu chảy: Phân lỏng toàn nước, có lúc màu xanh dưa cải, có thể có đờm, nhớt nhưng không có máu, đây là đặc điểm quan trọng để chẩn đoán phân biệt với ỉa chảy do vi khuẩn. Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày, sau đó giảm dần, kéo dài từ 3-9 ngày.
+ Sốt cao từ 3 đến 5 ngày
– Hậu quả : Do vừa bị nôn và tiêu chảy nhiều, trẻ bị nhiễm virus Rota rất dễ bị mất nước nếu không được chăm sóc thích hợp. Biến chứng nguy hiểm và trầm trọng của bệnh là suy kiệt do mất nước và mất muối, dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không được bù nước kịp thời. Các biểu hiện của mất nước bao gồm: khát nước, môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, kích thích, quấy khóc.
- Điều trị:
– Với tiêu chảy cấp do virus Rota điều trị bằng kháng sinh không hiệu quả.
– Ở thể nhẹ không có biến chứng, bệnh thường tự khỏi sau 3-4 ngày. Việc điều trị chủ yếu là phòng biến chứng: bù nước và chất điện giải khi trẻ bị mất nước. Đối với trẻ bị bệnh nhẹ, sau khi đưa trẻ đến khám ở các cơ sở y tế, có thể để trẻ ở nhà và chăm sóc theo sự hướng dẫn của thầy thuốc. Chú ý các điểm sau:
+ Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Có thể dùng nước đun sôi để nguội, nước canh rau, nước khoáng (không gas), hoặc cho trẻ uống Oresol theo hướng dẫn của thầy thuốc.
+ Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng như bình thường, phù hợp theo lứa tuổi, chia nhỏ bữa ăn.
+Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, nếu trẻ bú bình cần vệ sinh bình, núm vú và dụng cụ pha sữa kỹ hơn.
– Ở các thể có mất nước và mất nước nặng : khuyến cáo điều trị ,theo dõi tại cơ sở y tế
- Biện pháp dự phòng
– Tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ (vệ sinh chung và vệ sinh cá nhân): Vệ sinh nguồn nước, ăn uống theo các quy định của vệ sinh an toàn thực phẩm như không ăn các loại thịt sống hoặc chưa nấu chín, rửa sạch rau quả trước khi ăn sống, giáo dục thói quen vệ sinh ăn uống, rửa tay trước khi ăn. Vệ sinh dụng cụ dùng cho trẻ em ăn (đặc biệt trẻ dưới 6 tháng tuổi), người mẹ phải giữ gìn vệ sinh tốt trong thời kỳ cho con bú. Sát khuẩn, tẩy uế những chất thải và đồ dùng có liên quan đến bệnh nhân.
– Phòng bệnh chủ động: Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, nên uống dự phòng vắc xin Rota cho trẻ từ 6 tuần tuổi để đảm bảo sự bảo vệ trước khi trẻ bị nhiễm Rotavirus. Có 3 loại vắc xin phòng ngừa Rotavirus đó là Rotateq (Mỹ), Rotarix (Bỉ), Rotavin-M1 (Việt Nam).
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Https://www.who.int/newsroom/fact-sheets/detail/diarhoeal-disease.Published May 2, 2017.
- Tate JE, et al .Globa, Regional, and National Estimates of Rotavirus Mortality in Children < 5 years of Age, 200 – 2013. Clinical Infectious Diseases.2016; 62 (Suppl2): S96-S105.
- O’Brien MA, et al. Family impact of rotavirus gastroenteritis in Taiwan and Vietnam: An ethnographic study. BMC infectious Diseases. 2015; 15(240).
- Nguyen Van Man et al. Epidemiological Profile and Burden of Rotavirus Diarrhea in Vietnam: 5 Years of Sentinel Hospital Journal of Infectious Diseases 2005; 192: S127-32.
- WHO. Weekly Epidemiological record 2013; 88: 49-64
- Vũ Thị Hảo, Đặng Thị Cẩm Băng (2018) , “Một số đặc điểm dịch tễ của tiêu chảy cấp do Rotavirus và Norovirus ở trẻ em tại Bệnh viện Nhi Trung Ương” , Tạp chí nghiên cứu và thực hành Nhi khoa số 4 (08-2018), p35-37.