Xét nghiệm
TÌNH HÌNH HUYẾT THANH DƯƠNG TÍNH TOXOCARACANIS Ở BỆNH NHÂN MÀY ĐAY TẠI BỆNH VIỆN PHONG-DA LIỄU TRUNG ƯƠNG QUY HÒA 2016-2017
Nguyễn Thái Hòa
1. ĐẶT VẤN ĐỀ:
Mày đay là một bệnh rất phổ biến ở khoảng 15-23 % dân số và đặc trưng của tổn thương là các sẩn phù ( sẩn mày đay), kích thước từ vài mm đến hàng chục cm. Đây là phản ứng miễn dịch typ I điển hình (qua IgE) nhưng có thể do phơi nhiễm với môi trường hay tác nhân vật lý (như áp lực hoặc lạnh). Đa số là tự phát, rất khó tìm ra nguyên nhân, khoảng 70 – 90% trường hợp mày đay mạn tính không rõ nguyên nhân. Mày đay thường không nguy hiểm dẫn đến chết người nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, lao động, sinh hoạt, đặc biệt khi kéo dài như trong mày đay mạn tính.
Một trong những nguyên nhân gây mày đay được nói tới nhiều là nhiễm khuẩn, đặc biệt là nhiễm ký sinh trùng và nhiều tác giả đã chứng minh sự liên quan giữa giun đũa chó với bệnh mày đay. Hiện nay, bệnh do nhiễm ấu trùng giun đũa chó trên bệnh nhân mày đay nói riêng và toàn bộ đối tượng bệnh nhân nói chung đang có xu hướng tăng cao trong cộng đồng theo thời gian gần đây, nhất là thời điểm biến đổi khí hậu toàn cầu có ảnh hưởng thuận lợi cho bệnh ký sinh trùng nói chung phát triển và bệnh nhiễm ấu trùng giun đũa chó nói riêng.
Với mong muốn tìm hiểu rõ hơn về Toxocara canis và mối liên quan của Toxocara canis với bệnh mày đay, chúng tôi tiến hành đề tài: “Nghiên cứu tình hình huyết thanh dương tính Toxocara canis và đặc điểm lâm sàng liên quan ở bệnh nhân mày đay đến khám tại Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy hòa năm 2016-2017”với 2 mục tiêu:
1. Xác định tỷ lệ huyết thanh dương tính Toxocara canis trên bệnh nhân mày đay.
2. Tìm hiểu một số đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng liên quan đến tỷ lệ huyết thanh dương tính Toxocara canis ở bệnh nhân mày đay.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Tiêu chuẩn chọn đối tượng
– Đối tượng là tất cả bệnh nhân được chẩn đoán mày đay đến khám bệnh tại Bệnh viện Phong – Da liễu TW Quy hòa .
– Bệnh nhân tình nguyện đồng ý tham gia nghiên cứu.
2.2 .Tiêu chuẩn loại trừ
– Bệnh nhân không hợp tác, không đồng ý tham gia nghiên cứu.
– Bệnh nhân lú lẫn, tâm thần không có khả năng trả lời câu hỏi phỏng vấn.
2.3. Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh mày đay
– Dựa vào các biểu hiện lâm sàng và hỏi tiền sử bệnh, lưu ý mối liên quan giữa sự xuất hiện của mày đay với tiền sử tiếp xúc các yếu tố lạ.
Chẩn đoán phân biệt
– Hồng ban đa dạng.
– Tổn thương da do viêm mạch.
– Hội chứng tăng tế bào mast.
2.4. Thời gian nghiên cứu và địa điểm nghiên.
– Thời gian, từ tháng 01/2017 đến tháng 06/2017
– Địa điểm nghiên cứu tại Bệnh viện Phong-Da liễu TW Quy Hoà.
2.5. Phương pháp nhiên cứu:
– Đề tài được tiến hành theo thiết kế mô tả cắt ngang và phương pháp phòng thí nghiệm.
2.6. Cỡ mẫu và chọn mẫu
Theo công thức tính cở mẫu
Cỡ mẫu được tính theo công thức ước lượng tỷ lệ:
Trong nghiên cứu này chúng tôi chọn:Z21-α/2 = 1,96 với độ tin cậy 95%
p = 0,2 ( Theo kết quả điều tra của viện sốt rét- ký sinh trùng-Côn trùng Quy nhơn năm 2009 tại Bình Định)
q = 1- p = 0,8; p = 0,2; d = 0,05
Thay các giá trị vào công thức trên ta có: Kết quả tính cỡ mẫu được n = 246.
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU.
3.1Tỷ lệ huyết thanh dương tính với Toxocara canis trên bệnh nhân mày đay.
– Về tỷ lệ huyết thanh dương tính Toxocara canis ở bệnh nhân mày đay: tỷ lệ huyết thanh dương tính Toxocara canis (21,5%); tỷ lệ tăng bạch cầu ái toan (33,3 %).
+ Tuổi của nhóm người có huyết thanh dương tính Toxocara canis: Nhóm có độ tuổi từ 2 đến dưới 15 tuổi (12,6%), nhóm người dương tính Toxocara canis chủ yếu gặp ở tuổi từ 15 đến 60 tuổi (82,9%), nhóm tuổi trên 60 tuổi (4,5%).
+ Tỷ lệ có huyết thanh dương tính Toxocara canis theo giới: trên tổng số người làm xét nghiệm thì: Nữ giới (24,4%), Nam giới (15,9%).
3.2. Một số đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng liên quan đến huyết thanh dương tính Toxocara canistrên bệnh nhân mày đay.
– Đặc điểm lâm sàng: Triệu chứng ngứa chiếm tỷ lệ cao (63,4%), triệu chứng đau cơ (3,3%), triệu chứng đau bụng (2,4%), triệu chứng đau đầu (3,7%), triệu chứng sốt (2,4%), triệu chứng ăn kém(2,4%), triệu chứng rối loạn tiêu hóa (2,0%).
– Không có mối liên quan giữa tỷ lệ huyết thanh dương tính Toxocara canis với các triệu chứng lâm sàng như đau cơ, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, sốt và ăn kém .
– Một trong những nguyên nhân gây mày đay được nói tới là tỷ lệ huyết thanh dương tính Toxocara canis với tỷ lệ cao (21,5%) với triệu chứng lâm sàng ngứa.
– Mối liên quan giữa tỷ lệ huyết thanh dương tính Toxocara canis với BCAT tăng cao (33,3%).
– Mối liên quan giữa xét nghiệm BCAT tăng với triệu chứng lâm sàng ngứa.
– Mối liên quan giữa tỷ lệ huyết thanh dương tính Toxocara canis với nhóm tuổi, đặc biệt nhóm tuổi từ 15 đến 60.
4. BÀN LUẬN
4.1. Tỷ lệ huyết thanh dương tính với Toxocara canis trên bệnh nhân mày đay.
Theo kết quả Rosanna Qualizza (2011), cho thấy bệnh nhân bị mày đay có tỷ lệ nhiễm ấu trùng Toxocara canis(31,8%).
Theo kết quả nghiên cứu của Oteifa NM và cộng sự cho biết số ca bệnh mày đay mãn tính có (13%) dương tính với kháng thể kháng Toxocara canis.
Theo Dương Văn Thấm (2013), tỷ lệ nhiễm ấu trùng Toxocara canis trong toàn bộ đối tượng nghiên cứu là 67,1%, cao hơn nhiều so cới tỷ lệ nhiễm ở các nước như Đan Mạch (2,4%), Mỹ (14%), Brazil (26,8). Tuy nhiên so với các nước ở vùng khí hậu nhiệt đới thì kết quả này tương đương tỷ lệ nhiễm ở Bali (63,2%) và thấp hơn ở Saint Lucia (86,0%). Tỷ lệ huyết thanh Toxocara canis dương tính trong các quần thể đã được nghiên cứu trên một số châu lục: tại Châu âu , tỷ lệ huyết thanh dương tính Toxocara canis ở Tây Ban Nha (1,0%), Cộng hòa Slovak (13,65%); Tại New Zealand, tỷ lệ huyết thanh dương tính Toxocara canis thay đổi từ 0,70 ± 1,65%, Australia ( 7,0%); Ở Nam Mỹ, tỷ lệ dao động từ 10,6-38,9% (Argentina), Brazil (46,3%). Nhiễm ấu trùng Toxocara canis cũng gặp ở quần thể dân cư vùng nông thôn và rừng nhiệt đới Nam Mỹ và Đông Nam Á. Tại vùng Đông Bắc Đài Loan, tỷ lệ huyết thanh dương tính với Toxocara canis là 57,5%, ỏ Libi 19%. Vùng cận nhiệt đới Trung Đông, tỷ lệ người có huyết thanh dương tính Toxocara canis thấp hơn. Trẻ em ở thành thị có tỷ lệ nhiễm ấu trùng Toxocara canis thấp hơn so với trẻ em nông thôn (1,6% so với 4,4%).
Đối với kết quả nghiên cứu của chúng tôi trên 246 đối tượng mày đay và được tiến hành xét xét nghiện bằng kỹ thuật ELISA cho thấy: Có 53/246 đối tượng mày đay có tỷ lệ huyết thanh dương tính với kháng thể kháng Toxocara canis(21,5%). Với kết quả của chúng tôi cho thấy tỷ lệ huyết thanh dương tính với kháng thể kháng Toxocara canis cao hơn so với kết quả Oteifa và CS (13%), nhưng thấp hơn kết quả nghiên cứu của Rosanna Qualizza (2011) là ( 31,8%). Tuy nhiên với kết quả trên lại phù hợp với kết quả nghiên cứu của tác giả Maria-Carmem Turrientes (2011), cho thấy sự liên quan rõ ràng tiền sử dị ứng gia đình với bệnh mày đay mãn tính (21,3%), theo tác giả Maria-Carmem Turrientes tỷ lệ hiện mắc bệnh mày đay không có khác biệt giữa những người có thú nuôi trong nhà. Bệnh do ấu trùng Toxocara canis ở người được xem là bệnh từ động vật lây truyền qua đất, thói quen “ăn đất” đặc biệt ở trẻ em sống ở nhà có thú nuôi không được tẩy giun, Tuy vậy, tỷ lệ thường xuyên tiếp xúc với đất trong nghiên cứu của tác giả chỉ có 34,04%, tác giả đề xuất cần quan tâm những đường lây khác như ăn rau sống, ăn thịt sống.
4.2. Một số đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng liên quan đến huyết thanh dương tính Toxocara canis trên bệnh nhân mày đay.
Trong 53 đối tượng mày đay có huyết thanh dương tính với kháng thể kháng Toxocara canis (OD: >= 1): Có 48/53 đối tượng có triệu chứng ngứa (90,5%), 2/53 đối tượng có triệu chứng đau cơ ( 3,8%), 4/53 đối tượng có triệu chứng đau đầu ( 7,5% ), 1/53 đối tượng có triệu chứng đau bụng (1,9%), 1/53 đối tượng có triệu chứng rối loạn têu hóa (1,9%) và có 1/53 đối tượng có triệu chứng ăn kém (1,9%). Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, triệu chứng lâm sàng gặp nhiều nhất là triệu chứng ngứa ngứa (90,5%), triệu chứng đau đầu (7,5%), triệu chứng đau cơ (3,8%).
Theo kết quả nghiên cứu của Iddawela DR (2003), các triệu chứng lâm sàng của bệnh Toxocara canis: Đau bụng (45,0%), ho (30,0%), đau mình (23,0%), nổi mày đay (20,0%) [38]. Theo Munoz-Guzman MA (2010), 30,8% trẻ em bị nhiễm ấu trùng Toxocara canis có triệu chứng hen suyễn, 19,7% nhiễm ấu trùng Toxocara canis không có hen suyễn.
Theo kết quả nghiên cứu Trần Thị Hồng (1997), bệnh ấu trùng Toxocara canis nội tạng có các triệu chứng lâm sàng: Gan to (74,6%), sốt (69,3%), triệu chứng về hô hấp (66,7%), triệu chứng về tiêu hóa (47,6%), mệt mỏi (44,8), suy dinh dưỡng (44,2%), lách to thường đi kèm với gan to (32,9%), ăn kém (31,1%), xanh xao (26,2%), dấu hiệu về tim (11,1%), phù (11%) [12]. Ở trẻ em bị nhiễm ấu trùng Toxocara canis ở giai đoạn khởi phát, triệu chứng lâm sàng: Đau đầu (72,9%), động kinh (16,3%), cử động bất thường (3,1%), rối loạn hành vi (2,3%), yếu liệt (5,4%); ở giai đoạn toàn phát: Đau đầu (66,7%), động kinh (16,3%), rối loạn tâm thần (2,3%), viêm não (1,5%), hội chứng yếu các chi (5,4%), hội chứng não (3,9%), áp xe não (0,8%).
Theo một nghiên cứu ở trẻ em tại Ba Lan về tình trạng nhiễm ấu trùng Toxocara canis, phần lớn các trẻ em ở nông thôn bị nhiễm bệnh (68,9%). Về triệu chứng lâm sàng: 35,0% trẻ em có đau bụng; 18,4% có đau đầu; 5,8% có chán ăn, 22,3% có dấu hiệu dị ứng ngứa. Một nghiên cứu khác cho thấy 31,8% bệnh nhân bị mày đay bị nhiễm Toxocara canis; 23,3% bị dị ứng ngứa .
5. KẾT LUẬN
– Tỷ lệ huyết thanh dương tính Toxocara canis (21,5%)
– Nhóm có độ tuổi từ 2 đến dưới 15 tuổi (12,6%), nhóm người dương tính Toxocara canis chủ yếu gặp ở tuổi từ 15 đến 60 tuổi (82,9%), nhóm tuổi trên 60 tuổi (4,5%).
+ Tỷ lệ có huyết thanh dương tính Toxocara canis theo giới: trên tổng số người làm xét nghiệm thì: Nữ giới (24,4%), Nam giới (15,9%).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I.TIẾNG VIỆT
1. Trần Thị Kim Dung, Trần Phủ Mạnh Siêu (2009), Bệnh do giun lươn và giun đũa chó mèo, Nhà xuất bản y học, tr.82-107.
2. Trần Trọng Dương (2011), “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng, cận lâm sàng và đánh giá một số yếu tố nguy cơ lây nhiễm ấu trùng giun đũa chó ở người tại khu vực miền Trung Việt Nam”, Tạp chí Y học thực hành, Bộ Y tế, kỷ yếu công trình nghiên cứu khoa học Hội nghị công an nhân dân lần thứ III, số 8 (775-776), trang.468-472.
3. Bùi Văn Tuấn, Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Hữu Giáo, Huỳnh Thị Thanh Xuân (2013), “Tình hình nhiễm trứng giun đũa Toxocara spp ở đất tại một số điểm của Quảng Ngãi và Đăk Lăk”, Tạp chí Y học Thành phố Hồ Chí Minh, tập 17, Số 1/2013, tr.122-126.
II.TIẾNG ANH
4. B.Esfandiari, M.R. Youssefi and M.Abouhousseine Tabari (2010), First of Toxocara cati in Persian Leopard (Panthera pardus saxicolor) in Iran, Global Veterinaria, Vol. 4, No. 4, pp.394-395.
5. Berenice Faz-Lopez, Yadira Ledesma-Sôt, Yolanda Romeo-Sanchesz, Elsa Calleja, Pablo Maratinez-Labat and Luis I. Terrazas (2013), Signal Transducer and Activator of Transcription Factor 6 Signaling Contributes to Control Host Lung Pthology but Favors Susceptibility against Toxocara canis Infaction, Biomed Res Int, No. 2013, e.696943.
6. Britta Lassmann, Constantine Tsigrelis and Abinash Virk (2007), 33-year-old woman with marked Eosinophillia, Mayo Clin Proc, Vol. 82, No. 1,pp. 103-106.
7. P.A.M. Overgaauw (1997), Genneral introduction Aspects of Toxocara epidemiology, Toxocarariasis in dog and cats, Critical Reviews in Microbiology, No.23, pp.233-251.
8. Fomda BA, Ahmadz Z, Khan NN, Tanveer S, Wani SA (2007), Ocular Toxocarariasis in a child: a case report from Kashmir, north India, Indian J Med Microbilol, Vol.25, No.4,pp.411-412.
9. Garcia-Pedrique ME, Diaz-Suarez O, Estevez J, Cheng-Ng R, Araujo-Fernandez M, Castellano J, Cabrera L (2008), Prevalence of infection by Toxacara in school children in the community of El Mojan, Zulia state, Venezuala, Facultad de Medicina, Universidad del Zulia, Maracaibo, Venezuaela.
10. Huston DP, Bressler RB, Urticaria and angioedema. Med Clin North Am (1992);76:805-40.