fbpx
Chuyên đề KCBPhẫu thuật Chỉnh hìnhTin tức - Sự kiện

TRẬT KHỚP CÙNG ĐÒN

Nguyễn Kế Lạc, Trần Như Bửu Hoa, Đặng Thị Bích Liên

Trật khớp cùng đòn hay gặp sau chấn thương vùng vai, xảy ra khi bệnh nhân té ngã đập vai với tư thế cánh tay áp sát thân mình hoặc ngã chống tay.

* Nguyên nhân gây trật khớp cùng đòn:

Khớp cùng đòn bị trật xảy ra khi bạn té ngã khiến vai bị va đập.

Cơ chế chấn thương có thể trực tiếp hoặc gián tiếp:

– Cơ chế trực tiếp: Chấn thương xảy ra do người bệnh ngã đập vai trong tư thế khớp vai khép, làm mỏm cùng vai bị đẩy vào trong và xuống dưới.

– Cơ chế gián tiếp: Người bệnh ngã chống tay khiến lực truyền dọc theo trục xương cánh tay đến khớp cùng đòn.

* Tùy theo độ lệch và tổn thương dây chằng, trật khớp cùng đòn được phân thành 6 cấp độ (theo tác giả Rockwood):

  • Độ I: Giãn dây chằng cùng đòn
  • Độ II: Đứt dây chằng cùng đòn, giãn dây chằng quạ đòn
  • Độ III: Đứt dây chằng quạ đòn, khớp cùng đòn trật hoàn toàn
  • Độ IV: Đầu ngoài xương đòn trật ra sau, vào hoặc xuyên qua cơ thang
  • Độ V:  Đầu ngoài xương đòn di lệch lên trên rất nhiều
  • Độ VI: Với phần xương đòn đi lệch xuống dưới mỏm cùng vai hoặc mỏm quạ. Khoảng gian quạ – đòn thu hẹp so với bên lành.

    Trật khớp cùng vai đòn được phân loại dựa trên kết quả của X-quang:

    • Loại I:Không có trật khớp
    • Loại II:Có trật khớp nhẹ, thấy được sự hở nhẹ giữa xương đòn và mỏm cùng vai
    • Loại III:Khớp bị trật hoàn toàn, thường do dây chằng quạ đòn bị rách
    • Loại IV:Sự di lệch ra sau của đầu xa xương đòn
    • Loại V:Đầu xa xương đòn trật lên trên
    • Loại VI:Đầu xa xương đòn trật xuống dưới

    Loại IV, V, và VI là các biến thể của loại III.

    Dấu hiệu nhận biết trật khớp cùng đòn:

    Tương tự như các chấn thương trật khớp khác, người bị trật khớp cùng đòn có thể gặp các triệu chứng sau, bao gồm:

    • Đau và hạn chế vận động khớp vai;
    • Vai bên chấn thương xệ xuống, đầu ngoài xương đòn nhô lên khỏi mỏm cùng vai;
    • Dấu hiệu phím đàn: Dễ dàng ấn xương đòn về vị trí ban đầu, nhưng khi bỏ tay ra đầu ngoài xương đòn lại nhô lên;
    • Phần vai chấn thương bị sưng, bầm tím, đau đớn.

    Khi có bất kỳ dấu hiệu nào như nêu trên, người bệnh cần được thăm khám để chẩn đoán chính xác bệnh lý, từ đó điều trị kịp thời, dứt điểm, tránh những biến chứng nguy hiểm làm ảnh hưởng đến khả năng lao động  hay sinh hoạt thường ngày.

    Hình ảnh lâm sàng của chấn thương, đầu ngoài xương đòn bị nhô lên khỏi mỏm cùng vai

Phương pháp chẩn đoán trật khớp cùng đòn:

Việc chẩn đoán các chấn thương khớp cùng đòn dựa trên những dấu hiệu lâm sàng và thực hiện chụp X-quang để có thể đưa ra kết luận chính xác.

  • Chụp X-quang khớp vai 3 tư thế: X-quang vai thẳng, X-quang xương bả vai chữ Y và X-quang nách.
  • X-quang Zanca: Tương tự như X-quang vai thẳng, nhưng đầu phát tia chếch 10 độ về phía đầu. Kỹ thuật này giúp quan sát đầu khớp cùng đòn tốt hơn.
  • Chụp phim X-quang stress (X-quang thẳng với tay đeo tạ 4 – 6kg và so sánh 2 bên)

Mỗi mức độ tổn thương khác nhau sẽ có những biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng riêng biệt, cụ thể như sau:

Độ Biểu hiện lâm sàng Biểu hiện trên phim X-quang
I Đau khớp cùng quạ đòn, hạn chế vận động vai. Không đau vùng gian – quạ đòn Không thấy biểu hiện bất thường
II Đầu ngoài xương đòn nhô lên một chút so với mỏm cùng vai;

Dấu hiệu phím đàn;

Ấn đau vùng gian quạ – đòn

Đầu ngoài xương đòn hơi nhô cao, khớp cùng đòn giãn rộng;

X – quang stress: không thây thay đổi so với bên lành.

III Đầu ngoài xương đòn nhô lên rõ rệt hơn mức độ II, gồ lên mặt da. Đầu xương đòn nhô cao so với mỏm cùng vai;

X – quang stress: khoảng gian quạ – đòn tăng lên 25% – 100% so với bên lành.

IV Mức độ đau hơn mức độ III, đầu ngoài xương đòn trật ra sau so với mỏm cùng vai. X – quang nách hoặc CT – scan: đầu ngoài xương đòn di lệch ra sau.
V Tương tự như loại III nhưng mức độ nặng hơn rất nhiều.

Da bị gồ lên rất nhiều.

Khoảng gian quạ đòn tăng lên 100%

300% so với bên lành.

VI Vai phẳng, mỏm cùng vai nhô lên rõ.

Có thể có gãy xương đòn, xương sườn hoặc tổn thương đám rối cánh tay kèm theo.

Có 2 trường hợp: Đầu ngoài xương đòn trật nằm dưới mỏm cùng vai và dưới mỏm quạ.

 

Phác đồ điều trị

Tùy theo mức độ tổn thương và nhu cầu của người bệnh, bác sĩ điều trị có thể chọn phương pháp điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật.

Phương pháp điều trị bảo tồn được chỉ định đối với tổn thương mức độ I, II và bệnh nhân tổn thương mức độ III nhưng có nhu cầu vận động ít. Cách thức điều trị đối với phương pháp này là:

  • Nghỉ ngơi, chườm đá;
  • Đeo túi treo tay 4-6 tuần hoặc cố định khớp bằng áo Desault;
  • Tập phục hồi chức năng: 4-6 tuần đầu tập tầm vận động thụ động khớp vai, sau đó tập tầm vận động chủ động, tăng sức cơ.

Phẫu thuật với các trường hợp trật khớp nặng: Các trường trật khớp cùng đòn nặng (thường là loại III) cần phục hồi bằng phẫu thuật.

Đối với những trường hợp tổn thương mức độ III nhưng bệnh nhân còn trẻ, có nhu cầu vận động nhiều và những trường hợp nặng hơn, mức độ tổn thương ở loại IV, V, VI, phương pháp phẫu thuật sẽ hiệu quả hơn, cụ thể các kỹ thuật thực hiện gồm:

  • Phẫu thuật cố định khớp cùng đòn;
  • Cố định xương đòn vào mỏm quạ;
  • Tái tạo dây chằng quạ đòn bằng gân tự thân hoặc gân đồng loại, chuyển dây chằng quạ cùng thành dây chằng quạ đòn;
  • Phẫu thuật nội soi cố định quạ – đòn.

Phòng ngừa bằng cách nào?

Để phòng ngừa chấn thương trật khớp cùng đòn, trong sinh hoạt thường ngày bạn cần lưu ý:

  • Trang bị bảo hộ lao động đầy đủ, đúng cách;
  • Tham gia giao thông có ý thức, đúng luật, đi lại cẩn thận;
  • Tham gia tuyên truyền, giáo dục về luật giao thông và lao động để mọi người có thể tự bảo vệ bản thân;
  • Tìm hiểu cách sơ cứu tại chỗ cơ bản các trường hợp chấn thương.

Khi gặp bất kỳ khó khăn hay trường hợp khẩn cấp nào, người bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn cụ thể.

Tóm lại, trật khớp cùng đòn là một trong những chấn thương vai phổ biến. Nếu bạn phát hiện những dấu hiệu hay các cơn đau bất thường ở vai sau chấn thương thì cần đến ngay cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được thăm khám và xử trí kịp thời. Các bạn có thể đến ngay Bệnh viện Trung ương Quy hòa để được điều trị tốt nhất, nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Show More

Related Articles

Back to top button