fbpx
Chuyên đề KCBĐa khoa phổ cậpTin nổi bật

TRẺ CÓ VÀNG DA DO SỮA MẸ?

BS. Nguyễn Thị Thảo Nguyên

Trước tiên, phải luôn nhắc lại một lần nữa, sữa mẹ luôn là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển trẻ nhỏ. Tuy nhiên, có 1 tỷ lệ nhỏ 1 trên 200 bé sơ sinh gặp phải tình trạng vàng da do sữa mẹ.

Nguyên nhân chưa được biết rõ, mặc dù được cho là do một thành phần trong sữa mẹ có khả năng ngăn chặn việc phân hủy Bilirubin, khiến chất này tăng trong máu; đồng thời gan – cơ quan tiếp nhận bilirubin chưa phát triển toàn diện làm trẻ bị vàng da, vàng mắt. Tuy nhiên, hiếm khi xảy ra các vấn đề nghiêm trọng và hầu hết không ảnh hưởng đến phát triển tinh thần và vận động của trẻ.

1. Cách nhận biết

Có thể nhầm lẫn giữa vàng da do sữa mẹ và vàng da sinh lý bình thường.

– Vàng da do sữa mẹ thường xuất hiện ngày thứ 5 sau sinh và có thể kéo dài đến 4-6 tuần.

– Nếu như sau 7-10 ngày bé không hết vàng da, sau khi được bác sĩ khám và kiểm tra bé không hề bị nhiễm khuẩn, thiếu máu, gan lách không to, phân và nước tiểu bình thường, trẻ bú tốt, tăng cân bình thường thì khả năng là vàng da do sữa mẹ.

2. Có cách nào để giảm vàng da cho trẻ?

– Với những trẻ chỉ bị vàng da mức độ nhẹ hoặc trung bình, bác sĩ sẽ tư vấn để cha mẹ tự chăm sóc và theo dõi trẻ tại nhà.

Lúc này trẻ vẫn bú mẹ, thậm chí cần tích cực tăng cho bú từ 8-12 lần/ngày vì như vậy bilirubin sẽ dễ đào thải qua phân, nước tiểu hơn. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm sữa công thức cho trẻ nếu sữa mẹ không đủ.

– Đối với trẻ vàng da nhiều, cách nhanh nhất để giảm vàng khi đã khẳng định trẻ vàng do sữa mẹ là tạm ngưng bú mẹ trong 24 giờ, thay bằng sữa công thức và cần phải chiếu đèn.

Tuy nhiên, việc ngưng sữa mẹ chỉ là cứu cánh trong trường hợp bất khả kháng, đun sữa mẹ sẽ là lựa chọn ưu tiên hơn cả.

Cách đun: Vắt sữa cho vào ly nhôm hay đá, cho vào nồi nước sôi đã tắt bếp, để khoảng 15-20 phút cho nguội rồi cho bé bú.

Tình trạng vàng da do sữa mẹ không nguy hiểm, thường sẽ tự biến mất sau vài tuần song điều quan trọng là cần theo dõi trẻ để đảm bảo tình trạng vàng da không tăng quá nhiều. Nếu trẻ đang có dấu hiệu vàng da do sữa mẹ này, đừng quá lo lắng mà hãy đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn cách chăm sóc và điều trị tốt nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ronald J. Wong, BAVinod K Bhutani, MD, FAAP; Unconjugated hyperbilirubinemia in the newborn:Pathogenesis and etiology, www.update.com, 12/2019.

2. Phạm Văn Phong (2020), Vàng da sơ sinh, Nhi khoa 2020, pp. 1722-1731.

Show More

Related Articles

Back to top button