TRIỂN KHAI PHẦN MỀM QUẢN LÝ SỰ CỐ RỦI RO TẠI BỆNH VIỆN PHONG – DA LIỄU TRUNG ƯƠNG QUY HÒA NĂM 2020
Ths. Trần Xuân Vỹ,
TS. Vũ Tuấn Anh
Sự cố y khoa là các tình huống không mong muốn xảy ra trong quá trình chẩn đoán, chăm sóc và điều trị. Sự cố rủi ro có thể là một sai sót chuyên môn, hay là một hoạt động diễn ra không theo quy trình, một vấn đề cần được cải tiến vì nó không mang lại sự an toàn và hài lòng cho người bệnh và cả nhân viên y tế. Sự cố là điều không mong đợi với bất kỳ người bệnh, nhân viên hay cơ sở y tế nào, kể cả đối với các quốc gia có nền y học tiên tiến hiện đại. Để hạn chế tối thiểu các sự cố xảy ra, các cơ sở y tế cần xây dựng một hệ thống quản lý an toàn, chất lượng. Thông tư số 19/2013/TT-BYT ngày 12/7/2013 của Bộ Y tế “hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện” đã hướng dẫn tất cả các bệnh viện, cơ sở y tế triển khai các giải pháp an toàn người bệnh, không để xảy ra sai sót trong chuyên môn. Theo Thông tư 43/2018/TT-BYT ngày 26/12/2018 của Bộ Y tế về việc “hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám, chữa bệnh”, việc phải thiết lập hệ thống và hoạt động báo cáo sự cố là điều cần thiết trong các cơ sở y tế hiện nay.
Từ năm 2016, Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa đã thiết lập quy trình báo cáo sự cố, tuy nhiên, hệ thống còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai như: quy trình chưa chuẩn hóa, nhân viên chưa hiểu rõ và chưa biết cách khai báo, cán bộ quản lý sự cố còn lúng túng… Ngoài ra, phần mềm báo cáo sự cố được cải tiến nhưng vẫn chưa đáp ứng được mong đợi như: sự tiện lợi, hệ thống khó khăn ghi nhận, tổng hợp cũng như phân tích nguyên nhân. Chính vì vậy nên số lượng báo cáo nhận được rất thấp.
Từ thực trạng trên của hệ thống báo cáo sự cố, Bệnh viện đã tiếp cận với CHIR – Trung tâm nghiên cứu cải tiến y tế để tìm cơ hội hỗ trợ. Chương trình giảm thiểu sự cố rủi ro tại các bệnh viện Việt Nam của CHIR đã tài trợ cho Bệnh viện Phong- Da liễu Trung ương Quy Hòa. CHIR đã cử chuyên gia làm việc, chuyển giao phần mềm ứng dụng quản lý sự cố, đào tạo cho cán bộ chuyên trách vận hành ứng dụng phần mềm. Bên cạnh đó, chuyên gia của CHIR đã tập huấn, trao đổi với các cán bộ quản lý để làm rõ sự cần thiết của báo cáo sự cố và quản lý sự cố hiệu quả, qua đó làm cho nhân viên bệnh viện hiểu rõ tầm quan trọng của báo cáo sự cố rủi ro. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hệ thống sự cố rủi ro là một ưu điểm cần thiết của phần mềm quản lý sự cố lần này. Ngoài việc cài đặt trên web, ứng dụng có thể cài đặt trên điện thoại thông minh, mỗi nhân viên được cung cấp tài khoản riêng, có thể khai báo mọi lúc mọi nơi và bảo đảm độ tin cậy, bí mật cũng như an toàn của hệ thống.
TS. Vũ Tuấn Anh – Giám đốc Bệnh viện phát biểu tại lớp tập huấn
Kết quả sau 2 tháng triển khai, hệ thống đã ghi nhận hơn 100 báo cáo sự cố rủi ro tại các khoa, phòng. Từ những sự việc về cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị gặp sự cố, hư hỏng, đến những sự cố xảy ra trong quá trình thực hiện quy trình chăm sóc, cấp phát thuốc, vật tư y tế,…
Biểu đồ trích xuất từ phần mềm QLSC để theo dõi theo tháng, năm
Ban Quản lý sự cố đã tiếp nhận và xử lý các sự cố được ghi nhận qua hệ thống, bên cạnh đó cũng phân tích nguyên nhân gốc rễ một số sự cố để tìm giải pháp giải nhằm không để lặp lại các sự cố hay tình trạng tương tự.
Phân tích nguyên nhân gốc rễ và tìm giải pháp khắc phục
Sự cố 1: Hồ sơ bệnh án ra viện trả chậm
Đề xuất giải pháp: tập huấn phần mềm HSBAĐT và đưa vào quy chế thường trực, quy định hoàn thiện HSBA sau tua trực
Sự cố 2: Người bệnh phàn nàn vì sưng phồng, đau chỗ tiêm
Đề xuất giải pháp: tập huấn tiêm an toàn (chọn vị trí tiêm, kỹ thuật tiêm…) và tập huấn giáo dục người bệnh trong việc phối hợp thực hiện kỹ thuật tiêm truyền.
Sự cố 3: phòng ngừa trượt ngã
Tại sảnh tòa nhà khoa khám bệnh (h1), lối lên tòa nhà dốc trơn, người bệnh lớn tuổi khó khăn khi tiếp cận với khoa khám. Khi tiếp nhận thông tin sự cố, ban quản lý sự cố đã bàn bạc, đề xuất với giám đốc một số giải pháp (hình 2,3): mài nhám gạch tại lối lên xuống để tăng ma sát, đồng thời, dựng thanh chắn dọc theo hành lang tạo thanh chắn tay vịn an toàn cho người bệnh.
Bên cạnh đó, một số báo cáo liên quan đến phản ứng có hại của thuốc cũng đã được báo cáo vào hệ thống ADR, đồng thời Ban quản lý sự cố đã khuyến cáo cho các khoa cần lưu ý thận trọng, cần giám sát kỹ khi sử dụng các thuốc trên cho người bệnh.
Tuy phần mềm mới được đưa vào sử dụng, nhưng đã mang lại một số kết quả nhất định và có giá trị cho cải tiến chất lượng bệnh viện. Một cơ sở y tế vững mạnh là cơ sở lấy người bệnh làm trung tâm, luôn lắng nghe từ những góp ý, phản ánh của người bệnh, luôn công khai, minh bạch các thông tin và chính từ sự cố rủi ro để học hỏi, tìm tòi giải pháp để cải tiến chất lượng.
Bệnh viện mong muốnQuản lý nguy cơ trước khi xảy ra sự cố, góp phần tạo nên bệnh viện thân thiện, uy tín, tăng giá trị thương hiệu cho Bệnh viện và là điểm đến an toàn cho người bệnh.