Tỷ lệ lưu hành bệnh rụng tóc từng mảng ở trẻ em ngày càng tăng
Người dịch: Quang Tiến
Theo dữ liệu nghiên cứu được công bố trên Tạp chí JAMA Dermatology, tỷ lệ lưu hành bệnh rụng tóc từng mảng (AA) ở trẻ em đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2009 đến năm 2020.
Kết quả này rút ra sau khi phân tích dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) từ cơ sở dữ liệu PEDSnet (phiên bản 4.0) trong giai đoạn tháng 1/2009 đến tháng 11/2020. Những người đủ điều kiện tham gia nghiên cứu là bệnh nhân từ 18 tuổi trở xuống với ít nhất 2 lần khám bác sĩ ở cơ sở y tế bất kỳ và ghi nhận mã chẩn đoán AA hoặc 1 lần khám chuyên khoa da liễu với chẩn đoán mắc AA đã được ghi nhận.
Tổng cộng có 5801 trẻ em (tuổi trung bình [SD], 9,0 [4,5] tuổi; 56,2% nữ; 40,7% da trắng) được đưa vào nhóm bệnh nhân AA. Trong nhóm này, 41,3% bệnh nhân được theo dõi từ 12 tháng trở lên và được đưa vào phân tích tỷ lệ mắc bệnh.
Tỷ lệ lưu hành của bệnh AA ở trẻ em là 0,11%. Tỷ lệ lưu hành tăng đều theo năm (0,04% năm 2009 lên 0,08% năm 2019), với mức tăng tổng thể 2 lần xảy ra từ năm 2009 đến năm 2019 và sau đó giảm nhẹ vào năm 2020 (0,06%).
Tỷ lệ mắc AA ở bệnh nhân trẻ em từ năm 2009 đến năm 2020 là 13,6/100.000 người/năm. Tỷ lệ mắc bệnh phân bố bình thường theo tuổi và đạt cao nhất ở độ tuổi 6 tuổi (0,09%). Tỷ lệ này ở bệnh nhân nữ giới cao hơn 22,8% so với nam giới và cao nhất ở trẻ em gốc Tây Ban Nha, tiếp theo là trẻ em châu Á, trẻ em da đen và trẻ em da trắng.
Phân tích hồi quy logistic được sử dụng để tính toán các tỷ lệ odds ratio đã điều chỉnh (aORs) và chứng minh đồng nhất với dữ liệu tỷ lệ mắc bệnh chưa điều chỉnh. Bệnh nhân nam giới ít có khả năng bị chẩn đoán mắc AA hơn so với bệnh nhân nữ giới (aOR, 0,80; 95% CI, 0,74-0,87; P <0,001). Trẻ em gốc Tây Ban Nha có nguy cơ mắc AA cao nhất (aOR, 3,07; 95% CI, 2,76-3,42), tiếp theo là trẻ em châu Á (aOR, 2,02; 95% CI, 1,67-2,44) và trẻ em da đen (aOR, 1,73; 95% CI, 1,55-1,92), so với trẻ em da trắng.
Các nhà nghiên cứu lưu ý hạn chế của nghiên cứu có liên quan đến việc sử dụng dữ liệu EHR. Ngoài ra, các cơ sở thành viên của PEDSnet đều là các trung tâm học thuật nhi khoa lớn và ở thành thị, điều này có thể dẫn đến tình trạng số lượng quá nhiều trẻ em mắc các chứng bệnh phức tạp hoặc các bệnh lý khác.
Nghiên cứu kết luận “Với những dữ liệu mới này, cần nỗ lực tăng cường phổ biến thông tin về bệnh AA trong các cộng đồng đa sắc tộc để nâng cao nhận thức và khả năng tiếp cận chăm sóc cho đối tượng bệnh nhân AA là trẻ em”.
Nguồn: dermatologyadvisor.com