WHO và UNICEF cảnh báo về các đợt bùng phát bệnh sởi trên trẻ em
Người dịch: Quang Tiến
WHO và UNICEF cảnh báo hiện tại là thời điểm chín muồi cho sự bùng phát nghiêm trọng của các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin khi số ca mắc bệnh sởi được báo cáo trên toàn thế giới đã tăng 79% trong hai tháng đầu năm 2022, so với cùng kỳ năm 2021.
Cũng theo WHO và UNICEF, đây là một dấu hiệu đáng lo ngại về nguy cơ cao lây lan các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin và có thể gây ra các đợt bùng phát lớn hơn, đặc biệt là bệnh sởi ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em vào năm 2022.
Những gián đoạn do đại dịch Covid-19, bất bình đẳng ngày càng tăng trong việc tiếp cận với vắc-xin và sự chuyển hướng nguồn lực dành cho công tác tiêm chủng thông thường đang khiến quá nhiều trẻ em không được bảo vệ chống lại bệnh sởi và các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin khác.
Nguy cơ xảy ra các đợt bùng phát lớn tăng lên khi các quốc gia nới lỏng giãn cách xã hội và các biện pháp phòng ngừa COVID-19 khác được thực hiện trong thời kỳ cao điểm của đại dịch. Ngoài ra, với hàng triệu người phải di chuyển do xung đột và khủng hoảng ở Ukraine, Ethiopia, Somalia và Afghanistan, sự gián đoạn các dịch vụ tiêm chủng thông thường và tiêm chủng COVID-19, thiếu nước sạch và vệ sinh, và tình trạng tụ tập đông người làm tăng nguy cơ bùng phát các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin.
Gần 17.338 ca mắc bệnh sởi đã được báo cáo trên toàn thế giới trong tháng 1 và tháng 2 năm 2022, so với 9.665 ca mắc trong hai tháng đầu năm 2021. Vì bệnh sởi rất dễ lây lan nên các ca bệnh có xu hướng xuất hiện nhanh chóng khi số lượng tiêm chủng giảm. Các cơ quan này lo ngại rằng sự bùng phát của bệnh sởi cũng có thể báo trước sự bùng phát của các bệnh khác lây lan chậm hơn bệnh sởi.
Ngoài tác động trực tiếp lên cơ thể, và gây chết người, vi rút sởi còn làm suy yếu hệ miễn dịch và khiến trẻ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khác như viêm phổi và tiêu chảy, thậm chí trong nhiều tháng sau khi mắc bệnh sởi. Hầu hết các ca bệnh xảy ra ở những nơi phải đối mặt với khó khăn về kinh tế và xã hội do COVID-19, xung đột hoặc các cuộc khủng hoảng khác, đồng thời có cơ sở hạ tầng hệ thống y tế yếu kém kinh niên và mất an ninh.
Bà Catherine Russell, Giám đốc Điều hành UNICEF cho biết “Sởi không chỉ là một căn bệnh nguy hiểm và có khả năng gây chết người. Nó cũng là dấu hiệu sớm cho thấy có những khoảng trống trong phạm vi bao phủ tiêm chủng toàn cầu của chúng ta, những khoảng trống mà trẻ em dễ bị tổn thương không có khả năng chi trả. Điều đáng khích lệ là nhiều quốc gia bắt đầu cảm thấy được bảo vệ đủ khỏi COVID-19 để quay trở lại các hoạt động xã hội nhiều hơn. Nhưng làm như vậy ở những nơi mà trẻ em không được tiêm chủng định kỳ sẽ tạo ra điều kiện hoàn hảo cho sự lây lan của một căn bệnh như bệnh sởi”.
Năm 2020, 23 triệu trẻ em không được tiêm các vắc-xin thông thường cho trẻ em thông qua các dịch vụ y tế, con số cao nhất kể từ năm 2009 và nhiều hơn 3,7 triệu so với năm 2019.
Top 5 quốc gia có số ca mắc bệnh sởi cao nhất trong vòng 12 tháng, tính đến 4/2022
Quốc gia | Số ca mắc bệnh sởi | Tỷ lệ trên một triệu ca | Tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi mũi 1 (%), 2019 | Tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi mũi 1 (%), 2020 |
Somalia | 9,068 | 554 | 46 | 46 |
Yemen | 3,629 | 119 | 67 | 68 |
Afghanistan | 3,628 | 91 | 64 | 66 |
Nigeria | 12341 | 58 | 54 | 54 |
Ethiopia | 3039 | 26 | 60 | 58 |
Tính đến tháng 4/2022, các cơ quan này báo cáo có 21 đợt bùng phát bệnh sởi lớn trên khắp thế giới trong 12 tháng qua. Hầu hết các ca mắc bệnh sởi được báo cáo ở Châu Phi và khu vực Đông Địa Trung Hải. Các con số có thể cao hơn vì đại dịch đã làm gián đoạn hệ thống giám sát báo cáo trên toàn cầu.
Các quốc gia xảy ra các đợt bùng phát bệnh sởi lớn nhất kể từ năm ngoái bao gồm Somalia, Yemen, Nigeria, Afghanistan và Ethiopia. Tỷ lệ bao phủ vắc-xin sởi thấp là lý do chính dẫn đến các đợt bùng phát.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới cho biết “Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn các dịch vụ tiêm chủng, hệ thống y tế bị quá tải và hiện chúng ta đang chứng kiến sự bùng phát trở lại của các căn bệnh chết người bao gồm cả bệnh sởi. Đối với nhiều bệnh khác, tác động của những gián đoạn này đối với công tác tiêm chủng sẽ còn được cảm nhận trong nhiều thập kỷ tới. Bây giờ là thời điểm để tiêm chủng thiết yếu trở lại đúng hướng và khởi động các chiến dịch tiêm chủng để mọi người đều có thể tiếp cận với những loại vắc-xin cần thiết”.
Tính đến ngày 01/4/2022, 57 chiến dịch tiêm vắc-xin ở 43 quốc gia đã được lên kế hoạch thực hiện vẫn đang bị hoãn lại do đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến 203 triệu người, hầu hết là trẻ em. Trong số này, 19 chiến dịch là tiêm phòng bệnh sởi, khiến 73 triệu trẻ em có nguy cơ mắc bệnh sởi. Tại Ukraine, chiến dịch truy quét bệnh sởi năm 2019 đã bị gián đoạn do đại dịch COVID-19 và sau đó là do chiến tranh. Cần phải triển khai các chiến dịch tiêm vét và định kỳ để đảm bảo không lặp lại các đợt bùng phát như năm 2017-2019, khi cả nước có hơn 115.000 ca mắc bệnh sởi và 41 ca tử vong – đây là tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở châu Âu.
Tỷ lệ bao phủ ở mức hoặc cao hơn 95% với hai liều vắc-xin sởi an toàn và hiệu quả có thể bảo vệ trẻ em khỏi bệnh sởi. Tuy nhiên, sự gián đoạn liên quan đến đại dịch COVID-19 đã làm trì hoãn việc tiêm mũi thứ hai của vắc-xin sởi ở nhiều quốc gia.
Đồng hành cùng nỗ lực của các quốc gia trong ứng phó với các đợt bùng phát của bệnh sởi và các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin khác, UNICEF và WHO, cùng với các đối tác như Gavi, Liên minh vắc-xin, các đối tác của Sáng kiến Sởi & Rubella (M&RI), Quỹ Bill & Melinda Gates và những tổ chức khác đang hỗ trợ các nỗ lực tăng cường hệ thống tiêm chủng bằng cách:
- Khôi phục các dịch vụ và chiến dịch tiêm chủng để các quốc gia có thể cung cấp các chương trình tiêm chủng thông thường một cách an toàn nhằm lấp đầy những khoảng trống hiện tại;
- Giúp nhân viên y tế và lãnh đạo cộng đồng giao tiếp tích cực với người chăm sóc để giải thích tầm quan trọng của việc tiêm chủng;
- Chỉnh sửa những lỗ hổng trong phạm vi bao phủ tiêm chủng, bao gồm xác định những cộng đồng và những người đã bị bỏ sót trong đại dịch;
- Đảm bảo việc cung cấp vắc-xin COVID-19 được tài trợ độc lập và được lồng ghép tốt vào kế hoạch tiêm chủng tổng thể để nó không được thực hiện với chi phí của các dịch vụ tiêm chủng cho trẻ em và đối tượng khác;
- Thực hiện các kế hoạch quốc gia để ngăn ngừa và ứng phó với sự bùng phát của các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin và tăng cường hệ thống tiêm chủng như một phần của nỗ lực phục hồi sau COVID-19.
Nguồn: who.int