fbpx
Chuyên đề KCBĐa khoa phổ cậpTin nổi bật

Vàng da ở trẻ sơ sinh

BSCKI. LÊ THỊ THƠM

Vàng da ở trẻ sơ sinh không phải là hiện tượng hiếm gặp, đó là vấn đề khiến nhiều mẹ cảm thấy lo lắng. Tình trạng này có thể gây nguy hiểm hoặc không tùy thuộc vào nguyên nhân là do sinh lý hay bệnh lý. Trường hợp vàng da bệnh lý có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm ở trẻ sơ sinh.Vậy nguyên nhân vàng da là gì? Vàng da ở trẻ sơ sinh bao lâu thì hết? vàng da sinh lý khác gì so với vàng da bệnh lý.

Nội dung bài viết:

-Vàng da ở trẻ sơ sinh là gì, phân biệt vàng da sinh lí với vàng da bệnh lí ? 

– Nguyên nhân gây vàng da ở trẻ sơ sinh

– Biểu hiện trẻ sơ sinh bị vàng da

– Trẻ sơ sinh bị vàng da kéo dài có nguy hiểm không?

– Cách phòng ngừa vàng da ở trẻ sơ sinh

1. Vàng da ở trẻ sơ sinh là gì? Phân biệt vàng da sinh lí với vàng da bệnh lí?

Vàng da (hay còn có tên gọi khác là hoàng đản) là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh từ ngày thứ hai sau sinh trở đi và có thể kéo dài 1 đến 2 tuần.

Phân biệt vàng da sinh lí và vàng da bệnh lí :

Đặc điểmVàng da sinh líVàng da bệnh lí
Thời gian– Xuất hiện ở trẻ sau khi sinh 24 giờ và biến mất trong vòng 1 tuần (trẻ đủ tháng) đến 2 tuần (trẻ non tháng)-xuất hiện sớm, trong vòng 24 giờ sau khi sinh và kéo dài hơn 1 tuần (trẻ đủ tháng), hơn 2 tuần (trẻ non tháng).
Mức độVàng da  thường chỉ xảy ra ở mức độ nhẹ đơn thuần ở vùng mặt, cổ , ngựcvàng da xuất hiện với mức độ toàn thân, cả củng mạc mắt, lòng bàn tay và lòng bàn chân.
Dấu hiệu đi kèmKhông kèm theo bất kỳ biểu hiện bất thường nào khác (bỏ bú, thiếu máu, lừ đừ, gan lách to,…).kèm theo các triệu chứng bất thường như: bỏ bú, lừ đừ, co giật
Xét nghiệm bilirubinĐối với trẻ sinh thiếu tháng, nồng độ Bilirubin trong máu không vượt quá 14mg% và không quá 12mg% với những trẻ sinh đủ tháng. Ngoài ra, tốc độ tăng Bilirubin trong máu trong 24 giờ cũng không vượt quá 5mg%.Khi làm xét nghiệm cho kết quả nồng độ Bilirubin trực tiếp trong máu tăng cao so với thông thường
Nguyên nhânBilirubin là một chất có màu vàng và được tạo ra khi các tế bào hồng cầu bị vỡ. Ở trẻ sơ sinh, các hồng cầu thai nhi thường xuyên bị phá vỡ để thay thế bằng các hồng cầu trưởng thành. Lúc này, gan của trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn để có thể loại bỏ hết được lượng Bilirubin tích tụ trong máu, do đó dẫn đến hiện tượng vàng da.  Tuy nhiên, tình trạng này thường biến mất khi trẻ được 2 tuần tuổi, bởi đây là lúc gan đã phát triển và có thể lọc thải được những chất không cần thiết ra khỏi cơ thể.Vàng da bệnh lý có thể là do một số nguyên nhân sau đây gây ra: bệnh lý tan máu (nhiễm trùng, hồng cầu hình liềm, thiếu men G6PD), bệnh lý gan mật bẩm sinh (giãn đường mật, teo đường mật), bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con (Rh, ABO), nhiễm virus bào thai, xuất huyết dưới da,…  
Biến chứngVàng da sinh lý thường tự khỏi và không gây nguy hiểm gì cho trẻ  Vàng da bệnh lý có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm độc thần kinh khiến trẻ bị bại não suốt đời, thậm chí tử vong.
Điều trịTheo dõi tại nhà và tự hếtTại bệnh viện như chiếu đèn, thay máu

2. Nguyên nhân gây vàng da ở trẻ sơ sinh

2.1. Tại sao sau sinh trẻ có hiện tượng vàng da sinh lí :

– Tăng giáng hóa hồng cầu.

– Đời sống hồng cầu ngắn.

– Chức năng chuyển hóa billirubin của gan chưa trưởng thành.

– Tăng tuần hoàn ruột gan.

2.2. Một số nguyên nhân khiến bé có nguy cơ cao bị vàng da:

– Trẻ sinh non hoặc sinh ra trước khi đủ 37 tuần thai kỳ.

– Trẻ không được bú đầy đủ sữa mẹ hoặc sữa công thức.

– Trẻ sơ sinh có nhóm máu không hợp với nhóm máu của mẹ. Khi đó cơ thể bé sẽ sản sinh các kháng thể phá hủy hồng cầu dẫn đến tình trạng bilirubin tăng cao.

2.3. Các nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng vàng da ở trẻ sơ sinh bao gồm:

– Bé bị chảy máu nội tạng.

– Bị nhiễm trùng.

– Bị thiếu enzyme.

– Hồng cầu của bé gặp vấn đề bất thường.

3. Biểu hiện trẻ sơ sinh bị vàng da

– Một trong những biểu hiện vàng da đầu tiên ở trẻ sơ sinh là màu vàng xuất hiện ở da và mắt trẻ. Màu vàng có thể bắt đầu xuất hiện ở mặt trong vòng 2 đến 4 ngày sau khi sinh rồi lan dần ra khắp cơ thể. 

– Mức độ bilirubin thường sẽ tăng đạt đỉnh khoảng từ 3 đến 7 ngày sau khi sinh. Khi dùng ngón tay ấn nhẹ vào da trẻ thấy có màu vàng, thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh vàng da.

4. Trẻ sơ sinh bị vàng da kéo dài có nguy hiểm không?

– Tình trạng vàng da ở trẻ sơ sinh có diễn tiến nhanh và rất nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ khiến trẻ bị nhiễm độc thần kinh, có thể tử vong hoặc để lại các di chứng nặng nề như bệnh vàng da nhân.

– Khi trẻ có dấu hiệu vàng da kéo dài hoặc bị vàng da nhạt, vàng nâu, vàng đậm… thì mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đi khám sức khỏe để biết được chính xác nguyên nhân gây vàng da.

Tình trạng vàng da ở trẻ sơ sinh có diễn tiến nhanh và rất nguy hiểm

5. Cách phòng ngừa vàng da ở trẻ sơ sinh

– Mẹ cần có một thai kì khỏe mạnh: Mẹ nên thăm khám thai kỳ đầy đủ theo lịch hẹn để có thể phát hiện sớm các bệnh lý. Từ đó có thể tránh được tình trạng sinh non, sinh quá cân, nhẹ cân, nhiễm trùng từ mẹ sang con.

– Cho trẻ bú sữa non ngay sau khi sinh và giữ ấm để trẻ không bị hạ thân nhiệt hay hạ đường huyết.

– Phòng ngủ của trẻ phải có đủ ánh sáng để dễ dàng theo dõi màu sắc của da trẻ.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Y Tế (2016) ,”Vàng da tang bilirubin gián tiếp” ,Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em, Bộ Y Tế ,Nxb y học, tr223 – 230.

2. Nguyễn Thị Thanh Hương (2017) ,”Vàng da sơ sinh “, Phác đồ điều trị nhi khoa 2017 phần ngoại trú, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nxb y học, tr28 – 30.

3. Nguyễn Thị Minh Thư (2017) ,”Vàng da kéo dài “, Phác đồ điều trị nhi khoa 2017 phần ngoại trú, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nxb y học, tr30 – 33.

Show More

Related Articles

Back to top button