fbpx
Chỉ đạo tuyến - GSDTThống kê - GS dịch tễTin nổi bật

WHO cập nhật tình hình bệnh phong năm 2020

Người dịch: Quang Tiến

Tổng quan

Đại dịch COVID-19 là sự kiện nổi bật nhất và làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác thực địa, bao gồm phát hiện ca mắc bệnh phong mới và khám lâm sàng ở hầu hết các nơi trên thế giới. Số ca mắc được báo cáo nhìn chung giảm khoảng 1/3 so với năm trước. Đặc biệt là sự giảm mạnh về số ca mắc mới (và tỷ lệ lưu hành đã đăng ký) so với năm 2019, nhất là tại 03 quốc gia có dịch tễ bệnh phong cao nhất: Brazil, Ấn Độ và Indonesia. Trên thực tế, tỷ lệ các ca mắc mới đến từ ba quốc gia này ít nhiều vẫn giữ nguyên bất chấp sự sụt giảm trên toàn cầu, chiếm 74% tổng số ca mắc mới năm 2020 so với 79% của năm 2019.

Tổng cộng, 127 (80%) trong số 160 quốc gia báo cáo trong năm trước đã cung cấp dữ liệu cho năm 2020, dữ liệu bị thiếu chủ yếu là ở các quốc gia ít xuất hiện bệnh phong; việc 80% quốc gia lưu hành bệnh phong gửi báo cáo, bao gồm tất cả 23 quốc gia ở mức ưu tiên cao, cho thấy hệ thống báo cáo dựa trên nền tảng website, được liên kết trong nhiều trường hợp với nền tảng DHIS2, đã hoạt động tốt khi đối mặt với đại dịch và cho thấy tính hiệu quả và hứa hẹn khi ứng dụng các giải pháp kỹ thuật số vào y tế công cộng, ngay cả ở những quốc gia nghèo nàn về tài nguyên trên khắp thế giới.

Các tài liệu khác đã chỉ ra mức giảm tương tự, khoảng 1/3, trong các công việc thường lệ tại các lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như xét nghiệm bệnh lao ở châu Âu, thông báo về bệnh sốt vàng da ở châu Phi và phát hiện ca mắc leishmaniasis trên toàn cầu.

Như được mô tả ngắn gọn trên trang 423 của Bản cập nhật, chúng ta nên xem năm 2019 và 2020 là ngưỡng phân tách hai giai đoạn dịch tễ học riêng biệt đối với bệnh phong, dựa trên bản chất của việc phát hiện ca bệnh và sự gián đoạn do đại dịch toàn cầu gây ra. Các biện pháp ứng phó COVID-19 được ưu tiên trong những tháng gần đây, dự kiến ​​sẽ tiếp tục ở nhiều quốc gia trong những năm tới, và những nỗ lực mới nhằm chấm dứt sự lây truyền bệnh phong đang được thúc đẩy như một phần của Chiến lược toàn cầu mới (2021-2030), gợi ý rằng chúng ta có thể không bao giờ trở lại như trước đây.

Các quốc gia ưu tiên

Bảng 3 và 4 trình bày xu hướng ở 23 quốc gia ưu tiên. Số lượng ca mắc mới được phát hiện (Bảng 3) giảm ở hầu hết các quốc gia, mặc dù Congo, Kiribati, Madagascar, Somalia và Sudan cho thấy mức tăng khiêm tốn. Tất cả các quốc gia ưu tiên có mức tăng khiêm tốn (ngoại trừ Kiribati) đều nằm ở Châu Phi, có lẽ là do các quốc gia này bùng phát đại dịch muộn hơn nên ít ban hành các biện pháp kiểm soát COVID-19 hơn trong suốt năm 2020. Vì ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 trong nửa đầu năm 2021 ở nhiều quốc gia lưu hành, xu hướng giảm được dự đoán sẽ tiếp tục, nhưng sau đó có thể sẽ thay đổi khi các nước từ từ quay trở lại các hoạt động bình thường hơn trong tương lai.

Số lượng ca mắc mới được báo cáo ở Brazil giảm 35%, ở Ấn Độ giảm 43% và ở Indonesia giảm 36% so với số liệu năm 2019. Số lượng các ca bệnh mới bị khuyết tật độ 2 (G2D, Bảng 4) cho thấy xu hướng gần như tương tự, đã được dự đoán. Angola cho thấy một sự sụt giảm đáng ngạc nhiên về số ca mắc mới bị khuyết tật độ 2. Một lưu ý nhỏ là dữ liệu về Nigeria được báo cáo không đầy đủ, mặc dù thông tin bị thiếu rõ ràng đã được gửi: Các ca mới là trẻ em: 87 (MB) + 10 (PB) – tổng số 97 trường hợp; Ca mới bị khuyết tật độ 2 là trẻ em: 15 ca; Các ca mới bị khuyết tật độ 2: 170; Các ca bệnh sinh ra ở nước ngoài: 11; Các ca MB hoàn thành điều trị: 90,9%; Các ca PB hoàn thành điều trị: 93,4%.

Tỷ lệ hoàn thành điều trị: Trái ngược với sự giảm mạnh trong việc phát hiện/thông báo ca bệnh năm 2020, điều đáng mừng từ báo cáo là ‘tỷ lệ hoàn thành điều trị bệnh phong ở cả hai thể MB và PB tương tự năm 2019 ‘, trung bình khoảng 88% cho thể MB và 95% cho thể PB. Điều này có thể được giải thích một phần bởi các biện pháp đặc biệt được thực hiện bởi các thành viên ILEP và các cơ quan quản lý chương trình phong ở một số quốc gia, để giúp bệnh nhân tiếp tục điều trị trong thời gian phong toả và thời gian hạn chế các hoạt động. Ý tưởng là, “nếu chúng tôi không thể ra ngoài để phát hiện các ca bệnh mới, thì ít nhất chúng tôi có thể đảm bảo rằng các bệnh nhân đã được điều trị vẫn tuân thủ hướng dẫn”. Công nghệ kỹ thuật số (cuộc gọi điện thoại, tin nhắn SMS và WhatsApp) đã được triển khai để hỗ trợ nỗ lực này.

Bệnh phong kháng thuốc: trang 430 của Bản cập nhật có một đoạn ngắn về bệnh phong kháng thuốc (AMR), tiến hành kiểm tra ở 16 quốc gia được liệt kê trong chú thích, trong đó 6 nước báo cáo sự hiện diện của AMR; Somalia là quốc gia châu Phi duy nhất trong danh sách. Cần khuyến khích theo dõi tình hình kháng thuốc ở các khu vực lưu hành bệnh phong cao khác tại châu Phi, đặc biệt là Ethiopia, Mozambique và Congo. Indonesia đã triển khai các chiến dịch điều trị dự phòng phơi nhiễm bệnh phong bằng SDR-PEP, không có báo cáo về tình trạng kháng thuốc. Tổng cộng, 67 bệnh nhân (trong đó có 13 ca mới) chứa các chủng đa kháng thuốc. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của xét nghiệm kháng thuốc theo khuyến cáo trong chiến lược mới của WHO về bệnh phong. Cho thấy sự cần thiết phải tăng phạm vi điều trị dự phòng phơi nhiễm với liều đơn rifampicin, đặc biệt là ở các nước có gánh nặng bệnh phong cao. Thông tin chi tiết hơn về thử nghiệm AMR đã thực hiện sẽ được cung cấp sau.

Các luật phân biệt đối xử với những người bị bệnh phong: Bảy quốc gia được báo cáo ban hành các luật có sự phân biệt đối xử với những người bị bệnh phong. Đây là điều không thể chấp nhận được trong thế kỷ 21. Tất cả đều được yêu cầu làm việc để bãi bỏ các luật như vậy và báo cáo trung thực mọi hành vi phân biệt đối xử chống lại những người bị bệnh phong và gia đình của họ cho Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Xóa bỏ phân biệt đối xử với những người bị bệnh phong và các Thành viên trong gia đình của họ, hoặc các cơ quan có thẩm quyền trong nước .

Quay trở lại hoạt động bình thường

Các tổ chức thành viên ILEP nên được khuyến khích hỗ trợ các chương trình quốc gia trở lại hoạt động bình thường, dự kiến ​​tồn đọng các trường hợp không được chẩn đoán trong 12-18 tháng qua. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc phối hợp khám sàng lọc những người tiếp xúc với bệnh nhân phong đã được phát hiện đang điều trị MDT, đặc biệt là những người sống cùng gia đình, và bằng cách hướng các nguồn lực ngắn hạn vào việc đào tạo các nhóm như tình nguyện viên địa phương và cán bộ y tế mở rộng. Nếu các nhóm hoạt động thực địa được triển khai thành công ở các khu vực lưu hành bệnh phong cao, tình trạng tồn động sẽ có thể được giải quyết và dự kiến tỷ lệ mắc bệnh nói chung trong vòng 3 năm tới sẽ tăng nhẹ do các trường hợp đã không được phát hiện trong thời gian gián đoạn dịch vụ y tế.

Nguồn cung cấp MDT cần được giám sát kỹ. Về lý thuyết, các kho dự trữ sẽ đủ nếu ít được sử dụng hơn trong 12 tháng qua, nhưng các quốc gia nên đặt hàng nguồn cung mới dựa trên số ca bệnh năm 2019. Nhiều lô MDT được cung cấp gần đây có hạn sử dụng sau tháng 12/2023, do đó sẽ có thể dùng để điều trị cho các ca bệnh mới bổ sung trong vòng 2 năm tới. Tạp chất nitrosamine được tìm thấy trong thuốc rifampicin đã gây ra một số gián đoạn vào cuối năm 2020, nhưng điều này hiện đã được giải quyết.

Kết luận

Các dịch vụ y tế toàn cầu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, cả về gánh nặng trong việc quản lý bệnh nhân COVID và sự gián đoạn hầu hết các dịch vụ y tế khác ở một mức độ nào đó. Bệnh phong cũng không ngoại lệ. Các chương trình bệnh phong nhìn chung đã có thể cung cấp ‘các dịch vụ thiết yếu và quan trọng’, nhưng công việc tại thực địa thường lệ không thể được thực hiện ở một số địa điểm trong một số thời điểm. Hy vọng rằng các hoạt động bình thường có thể được khôi phục nhanh chóng và mạnh mẽ.

Nguồn: ilepfederation.org

Show More

Related Articles

Back to top button