fbpx
Điểm tin y tếTin nổi bậtTin tức - Sự kiện

WHO kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tại Đại hội đồng Liên hợp quốc tập trung vào công bằng vắc xin, chuẩn bị cho đại dịch và đưa Mục tiêu Phát triển bền vững trở lại đúng hướng

Người dịch: Hồ Thu Linh

WHO đang kêu gọi các nhà lãnh đạo tham dự phiên họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng vắc xin COVID-19 và các công cụ cứu sống khác; đảm bảo thế giới được chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với các đại dịch trong tương lai; và nỗ lực đổi mới để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của gần 5 triệu người trên toàn thế giới, và virus vẫn tiếp tục lây lan rất nhanh ở tất cả các khu vực trên thế giới.

Vắc xin là công cụ quan trọng nhất để chấm dứt đại dịch, bảo vệ tính mạng người dân và duy trì sinh kế. Hơn 5,7 tỷ liều vắc-xin đã được sử dụng trên toàn cầu, nhưng 73% trong số đó được cung cấp cho 10 quốc gia. Số lượng vắc xin được tiêm cho người dân ở các nước thu nhập cao cao gấp 61 lần so với các nước thu nhập thấp. Sự bất bình đẳng về vắc xin càng kéo dài, vi rút sẽ tiếp tục lưu hành và phát triển, đồng nghĩa sự gián đoạn kinh tế và xã hội sẽ tiếp tục kéo dài.

Mục tiêu của WHO là tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số của mọi quốc gia vào cuối năm nay và 70% vào giữa năm sau. Các mục tiêu này có thể đạt được nếu các quốc gia và nhà sản xuất cam kết thực hiện công bằng vắc xin.

WHO đang kêu gọi các quốc gia thực hiện cam kết chia sẻ liều lượng ngay lập tức và hoán đổi việc cung cấp vắc xin trong thời gian ngắn của họ với COVAX và AVAT (Nhóm đặc trách thu mua vắc xin COVID-19 của Châu Phi); WHO cũng kêu gọi các nhà sản xuất ưu tiên cung cấp cho COVAX và các đối tác, cũng như cho các quốc gia và nhà sản xuất để tạo điều kiện chia sẻ công nghệ, bí quyết và sở hữu trí tuệ để hỗ trợ sản xuất vắc xin trong khu vực.

Ngay cả khi các quốc gia tập trung vào việc chấm dứt đại dịch này, thế giới cũng phải chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai và các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe khác.

COVID-19 đã khiến cả thế giới – bao gồm cả các quốc gia giàu có – bị động trước một đại dịch với tốc độ lây lan và quy mô như thế này. Nó ảnh hưởng nặng nề đến các nhóm dân cư dễ bị tổn thương và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng.

WHO kêu gọi tất cả các quốc gia phá vỡ chu kỳ ‘hoảng sợ và bỏ mặc’ do các trường hợp khẩn cấp về y tế trước đó, đồng thời cam kết nguồn lực tài chính đầy đủ, cũng như ý chí chính trị, để tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó khẩn cấp về y tế trên toàn cầu.

Bảo hiểm y tế toàn cầu (UHC) là nền tảng của an ninh y tế toàn cầu. Bất chấp những tiến bộ của UHC trong những năm gần đây, 90% các quốc gia đã báo cáo sự gián đoạn trong các dịch vụ y tế thiết yếu do đại dịch, với những hậu quả tác động ngược ngoài lĩnh vực y tế.

Đầu tư nghiêm túc vào UHC và chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch là rất quan trọng không chỉ để tăng cường an ninh y tế toàn cầu mà còn nhằm mục đích đưa Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững trở lại đúng hướng.

Đại dịch đã làm đảo ngược tiến độ của SDGs, bao gồm cả những thành tựu đã đạt được về xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ bất bình đẳng giới, tiêm chủng cho trẻ em chống lại các bệnh truyền nhiễm và giáo dục cho trẻ em. Nhưng đại dịch cũng đang cung cấp cho thế giới những cơ hội mới để làm những điều khác biệt và thực sự hợp tác để tái xây dựng tốt hơn – hướng tới một thế giới lành mạnh hơn, công bằng hơn, hòa nhập hơn và bền vững hơn.

WHO kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tham dự UNGA trong tuần này nắm bắt thời điểm và cam kết hành động phối hợp, vận dụng nguồn lực toàn diện và đoàn kết, để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho con người và hành tinh.

Nguồn: who.int

Show More

Related Articles

Back to top button