Dị ứng đạm sữa bò ở trẻ em
Tại Việt Nam: tỷ lệ dị ứng đạm sữa bò ở trẻ em Việt Nam khá phổ biến. Kết quả phỏng vấn các bà mẹ thì có đến 12,6% trẻ có các triệu chứng nghi ngờ dị ứng đạm sữa bò, nhưng thực tế qua sàng lọc chẩn đoán thì chỉ 2,1% trẻ thực sự dị ứng với đạm sữa bò. Chẩn đoán dị ứng đạm sữa bò ở trẻ không dễ đòi hỏi phải thăm khám toàn diện cũng như theo dõi sát để tránh chẩn đoán quá mức, không phù hợp.
1. Tình trạng dị ứng đạm sữa bò ở trẻ em
Dị ứng đạm sữa bò ở trẻ em là phản ứng miễn dịch của cơ thể với các thành phần đạm có trong sữa bò hoặc các sản phẩm từ sữa bò, gây ra tình trạng dị ứng và ảnh hưởng đến các bộ phận trên cơ thể như da, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa của trẻ. Đây là là loại dị ứng thức ăn hay gặp nhất ở trẻ nhỏ.
Tỷ lệ dị ứng đạm sữa bò ở trẻ dưới 1 tuổi được ước tính khoảng 2 đến 7.5%, đặc biệt ngay cả trẻ bú mẹ hoàn toàn vẫn có 0.5% trẻ dị ứng với đạm sữa bò thông qua sữa mẹ nhưng có xu hướng nhẹ hơn.
2. Nguyên nhân dị ứng đạm sữa bò ở trẻ em
Nguyên nhân chính xác của tình trạng này ở trẻ em hiện nay vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng theo nghiên cứu, dị ứng có tính di truyền. Vì thế trẻ em có nguy cơ cao bị dị ứng sữa nếu bố mẹ có tiền sử mắc các bệnh dị ứng như hen, viêm da cơ địa, chàm da, viêm mũi dị ứng… Hơn nữa, nếu một trẻ trong nhà mắc dị ứng, nguy cơ mắc dị ứng của anh chị em ruột tăng gấp 10 lần so với dân số nói chung.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ dị ứng ở trẻ em bao gồm:
- Tiền sử gia đình
- Nhân tố môi trường ( trước, trong và sau sinh)
- Tuổi mẹ cao
- Thời gian cho con bú sữa mẹ hoàn toàn ngắn
- Trẻ ăn sữa công thức với đạm sữa thông thường (nguyên vẹn)
- Trẻ sinh non, sinh mổ
- Triệu chứng bệnh dị ứng đạm sữa bò ở trẻ
Dị ứng đạm sữa bò gây ra một loạt các triệu chứng đa dạng trên lâm sàng về mặt hình thái lẫn thời gian xuất hiện. Phản ứng sớm xảy ra từ vài phút đến hai giờ sau khi tiếp xúc. Trong khi đó, phản ứng muộn xuất hiện sau 48 giờ, thậm chí một tuần sau khi ăn vào.
Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh liên quan đến nhiều hệ cơ quan khác nhau, chủ yếu là da, hệ hô hấp, tiêu hóa:
- Tại da (50-70%):
- Viêm da cơ địa
- Sưng môi và mi mắt
- Nổi mề đay
- Tại đường tiêu hóa (50-60%):
- Thường xuyên trào ngược và nôn trớ.
- Tiêu chảy/bón : nôn, đau bụng trong vòng vài phút đến hai giờ sau ăn sữa bò
- Tại đường hô hấp (20-30%): Sổ mũi, ho kéo dài, khò khè (không liên đến tình trạng nhiễm trùng)
Dị ứng đạm sữa bò ở trẻ là một bệnh khó chẩn đoán vì hầu hết các triệu chứng điển hình phổ biến ở các bệnh lý mà hầu hết trẻ nhỏ sẽ thỉnh thoảng gặp phải và tất nhiên, đại đa số không bị dị ứng sữa bò. Nghi ngờ đến chẩn đoán này khi trẻ có các triệu chứng trên đáng kể, dai dẳng và khó điều trị bằng thuốc, những biểu hiện dị ứng liên quan đến thời gian ăn sữa bò thông thường cũng như tính lặp lại các triệu chứng.
- Các xét nghiệm giúp chẩn đoán dị ứng đạm sữa bò ở trẻ em
Vì khó có thể chẩn đoán chính xác bệnh dựa vào những biểu hiện lâm sàng ban đầu nên trẻ phải được làm các xét nghiệm dị ứng đạm sữa bò như:
- Lẩy da (Skin prick Test) với sữa
- Xét nghiệm IgE đặc hiệu với các protein sữa bò (RAST)
- Test loại trừ: ngưng sữa công thức đạm sữa bò thông thường trong 2-4 tuần xem triệu chứng cải thiện hay không
- Test loại trừ:Cho ăn lại sữa bò công thức thông thường nếu có cải thiện sau test loại trừ. Test này cần thực hiện tại nơi có điều kiện cấp cứu hồi sức như phòng khám bác sĩ hay bệnh viện. Bắt đầu test bằng cách cho trẻ ăn một lượng nhỏ sữa đạm bò nguyên vẹn và theo dõi cẩn thận mọi dấu hiệu phản ứng và tăng dần lượng sữa lên sau 30 phút theo phác đồ 1 -3-5-10-15-30-100ml, nếu các triệu chứng dị ứng xuất hiện thì chẩn đoán được khẳng định.
Chế độ ăn loại trừ đạm sữa bò nguyên vẹn và các quy trình thử thách vẫn là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán và điều trị dị ứng mức độ nhẹ và trung bình với sữa công thức chứa đạm bò thông thường.
- Dinh dưỡng trong điều trị dị ứng đạm sữa bò
Theo các hướng dẫn của Hiệp hội Nhi khoa, Tiêu hóa, Gan mật và dinh dưỡng Châu Âu và Viện Hàn Lâm, Nhi khoa Việt Nam thống nhất đưa ra hướng dẫn xử lý dinh dưỡng mới nhất cho dị ứng đạm sữa bò tại Việt Nam như sau:
- Trẻ dưới 12 tháng tuổi: sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ cũng là phương pháp phòng ngừa dị ứng đạm sữa bò ở trẻ sơ sinh
- Trường hợp trẻ đang bú hoàn toàn sữa mẹ nghi ngờ dị ứng đạm sữa bò: tiếp tục nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, mẹ cần loại bỏ sữa bò, các sản phẩm từ sữa bò ra khỏi chế độ ăn, đồng thời cần uống calci và vitamin D kèm theo trong thời gian từ 2-4 tuần. Nếu triệu chứng không cải thiện thì mẹ quay lại chế độ ăn bình thường và tìm nguyên nhân khác. Nếu triệu chứng cải thiện rõ rệt thì mẹ cần duy trì chế độ ăn kiêng sữa bò và các sản phẩm sữa bò, cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn tối thiểu 12 tháng.
- Trường hợp trẻ có biểu hiện dị ứng đạm sữa bò nhẹ đến trung bình và không được bú sữa mẹ nên cho trẻ sử dụng sữa công thức chứa đạm thủy phân tích cực từ 2-4 tuần. Nếu sau thời gian trên, tình hình của trẻ được cải thiện thì cho cho trẻ đến cơ sở y tế test thử thách đường miệng với sữa công thức chứa đạm bò thông thường. Nếu trẻ xuất hiện lại triệu chứng dị ứng thì tiếp tục duy trì công thức sữa thủy phân tích cực ít nhất 6 tháng đến 12 tháng. Nếu trẻ dung nạp được không có triệu chứng dị ứng, trẻ được cho sử dụng sữa này tiếp tục với lượng ít nhất 200ml/ngày trong 2 tuần. Khi không có biểu hiện liên quan dị ứng trẻ có thể quay lại uống sữa bò bình thường.
- Sữa công thức amino acid sẽ được lựa chọn trong trường hợp trẻ không đáp ứng với công thức sữa bò thủy phân hoàn toàn, hoặc trẻ không chịu uống
- Trẻ từ một tuổi trở lên hoặc tùy vào tình trạng của trẻ, có thể được thử dùng lại từ sữa đạm thủy phần một phần trước khi thử với các sản phẩm dinh dưỡng thông thường chứa đạm bò nguyên vẹn.
- Sữa dê và các loại sữa động vật khác không được khuyến cáo trong trường hợp dị ứng đạm sữa bò, do nguy cơ dị ứng chéo rất cao. Không khuyến cáo dùng sữa đậu nành thay thế sữa bò ở trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Hầu hết trẻ em khi lớn lên sẽ khỏi hẳn tình trạng bị dị ứng đạm sữa bò, trong độ tuổi từ 1 đến 4 tuổi khi hệ miễn dịch của trẻ đã trưởng thành. Phương pháp phòng tránh dị ứng đạm sữa bò là nuôi con bằng sữa mẹ. Vì sữa mẹ là con đường tốt nhất để bảo vệ trẻ khỏi những khả năng bị dị ứng thức ăn, có những chất đạm từ người mẹ khiến bé có thể dung nạp một cách tốt nhất, chứa những thành phần có chức năng bảo vệ cho hệ tiêu hóa chưa trưởng thành của trẻ trước những nguồn đạm lạ.
Tài liệu tham khảo
- Bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Đại học Y Khoa Hà Nội (2020) – Dinh dưỡng điều trị trong nhi khoa – Nhà xuất bản Y học.
- “Cập nhật chẩn đoán và điều trị dị ứng thức ăn” Lê Thị Minh Hương, Nguyễn Duy Bộ trong tạp chí Nhi khoa (16/1/2023)
- The Milk Allergy in Primary Care (MAP) Guideline 2019