fbpx
Điểm tin y tếTin nổi bậtTin tức - Sự kiện

NHỮNG ĐIỀU THÚ VỊ VỀ RĂNG KHÔN

BSCKI Lê Văn Túc

1/ Nguồn gốc tên gọi:

Răng khôn đã được mô tả trong các văn bản cổ của Plato (triết gia Hy Lạp cổ) và Hippocrates (cha đẻ của nền y học). “Răng khôn” có nguồn gốc từ tiếng Latin, “dentes sapientiæ”, từ này lại bắt nguồn từ thuật ngữ Hippocrates “sophronisteres”, từ tiếng Hy Lạp “sophron”, có nghĩa là khôn ngoan. Như vậy không có mối liên hệ nào giữa răng và trí tuệ của con người, tên gọi răng khôn liên quan tới thời điểm mọc răng của đời người.

Tuy nhiên, ở 1 số quốc gia khác nhau, chiếc răng khôn cũng mang một hàm nghĩa khác!

Không chỉ trong ngôn ngữ Việt Nam, chiếc răng khôn mới là biệt danh đặc biệt, ở nhiều nền văn hóa khác nó cũng có nét độc đáo.

Trong tiếng Hà Lan được gọi verstandskiezen có nghĩa là răng trí tuệ. Hay tiếng Ả Rập là Ders-al-a’qel có nghĩa là “chiếc răng của trí tuệ”. Tương tự như vậy, trong tiếng Nhật, nó được gọi là Oyashirazu, có nghĩa “không biết đến cha mẹ”, ý chỉ những người đã trưởng thành và ra ngoài ở riêng.

Gần với ý nghĩa bên trên nhất là ở Tây Ban Nha, nó được gọi là “Muela de juicio”, đây được coi là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành, độ tuổi có thể tự chịu trách nhiệm về mặt pháp lý.

Khác hơn, chúng ta có thể kể đến Indonesia, nó được gọi là “Gigi bungsu”, có nghĩa là em út vì dựa trên thực tế, nó mọc muộn hơn nhiều so với những người anh em khác và có tuổi đời nhỏ nhất.

Ở Việt Nam chưa có ghi nhận tác giả nào là người đầu tiên đặt tên gọi răng khôn chỉ biết các giáo trình viết răng hàm lớn thứ 3 trên hai cung hàm là răng khôn hay còn gọi răng số 8 hay răng cùng.

2/Đặc điểm răng khôn:

Răng mọc trễ nhất trên cung răng (từ 17-25 tuổi). Khoảng thời gian này xương hàm ít tăng trưởng về kích thước, chất lượng xương cứng hơn, niêm mạc và mô mềm phủ trên dày, chắc; do vậy răng khôn dễ mọc lệch và mọc ngầm.

Răng khôn hàm dưới có tỷ lệ mọc ngầm và mọc lệch cao nhất.

Răng mọc lệch và mọc ngầm dễ bị nhồi nhét thức ăn ⇒ Khó vệ sinh ⇒ Gây ra nhiều biến chứng (sưng, đau, nhiễm trùng, há miệng hạn chế…) và các răng này cũng ít tham gia vào chức năng ăn nhai.

3/ Các kiểu răng khôn mọc:

3.1. Răng khôn mọc lệch về phía gần:

3.1.1 Răng khôn mọc lệch về phía gần ngoài:

Đây là tình trạng trục của răng khôn mọc lệch 45 độ nghiêng về phía trước (về phía răng số 7) hướng ra ngoài  má có thể có hoặc không chồng một ít lên mặt ngoài răng số 7. Khi quan sát, bạn sẽ thấy răng vẫn mọc trồi lên trên nướu nhưng tì vào răng số 7 ở mặt ngoài. Qua đó, gây chèn ép, xô lệch khiến răng số 7 bị đau nhức và má bị sưng đau ( trường hợp này nhổ khó hơn lệch gần trong).

3.1.2. Răng khôn mọc lệch về phía gần trong:

Đây là tình trạng trục của răng khôn mọc lệch 45 độ nghiêng về phía trước (về phía răng số 7) hướng vào phía trong lưỡi có thể có hoặc không chồng một ít lên mặt trong răng số 7. Khi quan sát, bạn sẽ thấy răng vẫn mọc trồi lên trên nướu nhưng tì vào răng số 7 ở mặt trong. Qua đó, gây chèn ép, xô lệch khiến răng số 7 bị đau nhức và má bị sưng đau ( trường hợp này nhổ dễ hơn lệch gần ngoài).

3.2. Răng khôn mọc lệch nghiêng về phía xa (nghiêng sau)

Đây là tình trạng răng khôn khi mọc sẽ nằm nghiêng về phía sau về hướng cột sống. Vì vậy so với răng mọc lệch gần, chiếc răng này chỉ gây cảm giác đau nhức, sưng nhẹ. Trường hợp nghiêng xa ít thấy nghiêng xa ngoài hoặc nghiêng xa trong

3.3. Răng khôn mọc nằm ngang( mọc lệch 90 độ so với trục răng số 7 bình thường) mặt nhai có thể hướng về phía gần hoặc quay về phí cột sống:

Đây là tình trạng răng mọc theo phương nằm ngang tạo góc 90 độ với răng số 7. Đa số trường hợp này răng khôn mọc ngầm dưới xương hàm nên chỉ nhìn thấy khi chụp X-quang

3.4. Răng khôn mọc lạc chỗ:

Trường hợp này có thể mọc cao hơn vị trí bình thường, mọc cành lên xương hàm dưới, mọc trên sau của xương hàm trên hoặc mọc trong xương hàm vùng sau hai hàm nhương trục bất thường không giống loại nào đã mô tả ở trên.

Hình ảnh các kiểu răng khôn mọc lệch

4/ Nguyên nhân răng khôn mọc lệch:

Tổ tiên con người là loài linh trưởng. Họ hàng gần nhất của giống loài chúng ta là loài vượn châu Phi, đặc biệt là tinh tinh. Giống như tất cả loài vượn, tổ tiên loài người có một bộ răng gồm 32 chiếc răng: 2 răng cửa, 1 răng nanh, 2 răng hàm nhỏ và 3 răng hàm lớn, đối  xứng ở cả hai bên hàm trên và hàm dưới. Con người có vòm miệng ngắn hơn và răng nhỏ hơn so với những linh trưởng khác.

Ảnh so sánh cung hàm rộng của tổ tiên loài người với sự hiện diện của răng số 8, sau đó cung hàm hẹp dần không đủ chỗ cho răng số 8 mọc

Một số giả thuyết nêu ra nguyên nhân răng khôn mọc lệch là do mọc muộn hơn các răng trên cung hàm (17-25 tuổi) lúc này xương hàm biệt hoá tạo thành xương cứng hơn và mô mềm qua thời gian dài ăn nhai làm cho mô nướu vùng răng khôn săn chắc hơn, các răng mọc trước trưởng thành chiếm chỗ làm cho răng khôn tìm chỗ mọc lên lệch lạc.

5/ Các biến chứng của răng khôn mọc lệch:

5.1. Viêm nướu vùng răng khôn lệch:

Nguyên nhân nhồi nhét thức ăn ở vùng túi lợi trùm , ở kẽ hở mặt xa răng số 7 khó vệ sinh lâu ngày vi khuẩn tụ tập tấn công gây viêm nhiễm nướu đau sưng tuỳ theo mức độ.

5.2. Sâu răng, hôi miệng:

Khi răng khôn mọc lệch người bệnh khó vệ sinh sạch vụn thức ăn và mảng bám. Điều này tạo cơ hội cho vi khuẩn tích tụ gây sâu răng và hôi miệng. Nếu không điều trị, vi khuẩn sẽ dần dần tấn công sang các răng kế cận gây sâu răng hàng loạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng.

5.3. Tạo nang gây nên viêm quanh thân răng khôn hoặc răng 7 kế cận:

Nhiễm trùng mạn tính xảy ra quanh thân răng hay tổ chức quanh  răng  khôn mọc lệch hoặc răng 7 kế cận sẽ tạo điều kiện cho khối  nang xương hàm xuất hiện phá huỷ xương hàm lan rộng ra xung quanh, thậm chí còn dẫn đến K xương hàm.

5.4. Viêm mô bào vùng góc hàm gây khít hàm khó ăn nhai:

Răng khôn mọc lệch đâm vào răng số 7 hoặc má có thể khiến người bệnh gặp khó khăn, đau nhức khi há miệng. Qua đó gây viêm nhiễm lan rộng hoặc viêm nhiễm từ nang răng lan ra cơ chân bướm hàm có trường hợp răng khôn hàm dưới lan rông sang cơ cắn lan ra sàn miệng xuống vùng cổ gây nên chứng Phlegmon(Viêm tấy lan toả sàn miệng) , bệnh nhân không thể ăn uống như bình thường khiến cơ thể mệt mỏi, sức khỏe suy giảm nhanh chóng nặng nề hơn có thể chèn ép khí quản.

Nếu các bạn đang gặp các vấn đề về sức khỏe răng miệng xin mời liên hệ trực tiếp số điện thoại:

Phòng RHM ĐT số: 0256 2471269

Mọi chi tiết liên hệ BV Phong Da Liễu Trung Ương Quy Hoà ĐT: 02563 532 536

Show More

Related Articles

Back to top button