Viêm tai giữa cấp tính ở trẻ em
Tác giả : BSCKI.Lê Thị Thơm
- Viêm tai giữa cấp tính là gì?
Viêm tai giữa cấp tính là tình trạng viêm ở tai giữa kéo dài dưới 3 tuần với một hay nhiều triệu chứng cấp tính tại chổ và toàn thân của sự viêm nhiễm trong tai giữa (như đau tai, chảy dịch tai, sốt…) và khởi phát nhanh.
- Dịch tễ học:
Viêm tai giữa cấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên lứa tuổi dễ bị nhất là trẻ từ 6 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi.
Khoảng 60 – 80% trẻ có ít nhất 1 đợt viêm tai giữa khi 1 tuổi và 80 – 90% khi 2 – 3 tuổi.
Tỉ lệ viêm tai giữa cấp tính ghi nhận cao nhất vào những tháng thời tiết lạnh (mùa thu đông) và có mối liên quan đáng kể với các bệnh lí đường hố hấp.
- Nguyên nhân:
Có 2 nguyên nhân gây bệnh viêm tai giữa cấp tính đó là:
- Viêm tai giữa cấptính do virus: virus hợp bào hô hấp, influenza virus, rhino virus…
- Viêm tai giữa cấptính do vi khuẩn: Streptococcus pneumoniae, vi khuẩn kỵ khí, Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis…
- Triệu chứng:
Triệu chứng toàn thân:
- Sốt, trẻ thường sốt cao 39-40 độ C. Sốt xảy ra 1/3 – 2/3 trẻ bị viêm tai giữa cấp.
- Trẻ quấy khóc, bứt rứt, khó ngủ, quấy khóc, bỏ bú, chán ăn, tiêu chảy, nôn ói.
Triệu chứng tại chỗ:
- Đau tai: Trẻ lớn sẽ than phiền là đau tai nhưng với trẻ nhỏ hơn sẽ khó chịu, cáu kỉnh, khóc nhiều hơn bình thường, khi sờ vào tai sẽ làm trẻ khóc thét lên.
- Chảy mủ tai.
- Giảm thính lực.
- Qua thăm khám nội soi thấy màng nhĩ đỏ, phồng, không rõ cấu trúc bình thường, mất tam giác sáng, có mủ trong ống tai. Khi trẻ bị chảy mủ tai thì sẽ thấy hình ảnh màng nhĩ thủng.
- Biến chứng:
Viêm tai giữa cấp tính nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ trở thành viêm tai giữa nặng và gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ, các biến chứng của bệnh viêm tai giữa cấp cụ thể như sau:
- Giảm hoặc mất thính lực.
- Viêm tai giữa mạn tính, viêm tai trong.
- Viêm xương đá, viêm xương chũm cấp.
- Viêm mê nhĩ, xơ nhĩ, thủng màng nhĩ.
- Liệt mặt do liệt dây thần kinh số VII.
- Viêm màng não, áp xe não, áp xe ngoài màng cứng, huyết khối xoang tĩnh mạch 2 bên.
- Điều trị viêm tai giữa cấp tính
Liệu pháp kháng sinh:
- Chỉ định:
- Tất cả trẻ dưới 6 tháng tuổi nên chỉ định kháng sinh ban đầu khi chẩn đoán viêm tai giữa cấp, không kể nguyên nhân và mức độ nặng của bệnh.
- Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên nếu có bằng chứng viêm tai giữa cấp và chảy mủ tai hoặc các triệu chứng nặng như vẻ mặt nhiễm độc, đau tai kéo dài trên 48 giờ, sốt ≥ 39 độ kéo dài 48 giờ hoặc không thể theo dõi thì nên điều trị kháng sinh.Nếu chẩn đoán không chắc chắn và bệnh không nặng thì chọn lựa theo dõi.
- Lựa chọn kháng sinh:
- Amoxicillin
Liều 90 mg/kg/ngày chia 2 lần nếu trong vòng 1 tháng qua trẻ không dùng kháng sinh nhóm betalactam, không có tiền sử viêm tai giữa tái phát và không có bị viêm kết mạc mủ kèm theo.
- Amox-clavulanic
Cho những trẻ trong vòng 1 tháng qua có dùng kháng sinh nhóm betalactam, có viêm kết mạc mủ kèm theo, có tiền sử viêm tai giữa tái phát.Liều là 90 mg/kg/ngày với Amox và 6.4 mg/kg/ngày với clavulanic.
- Nếutrẻ dị ứng penicillin: Điều trị thay thế:
- Cefdinir 14 mg/kg /ngày chia 1 hoặc 2 (liều tối đa 600 mg/ngày)
- Cefpodoxime 10 mg/kg/ngày chia 2 (liều tối đa 400 mg/ngày)
- Cefuroxime 30 mg/kg/ngày chia 2 (liều tối đa 1g/ngày)
- Ceftriaxone 50 mg/kg /ngày IM hoặc IV trong 3 ngày
- Levofloxacin 20mg/kg/ngày (nếu ≤ 5 tuổi), hay 10 mg/kg/ngày (nếu > 5 tuổi), chia 2 lần.
- Azithromycin liều 10 mg/kg trong ngày đầu và 5 mg/kg/ngày từ ngày thứ 2- thứ 5.
- Thời gian dùng kháng sinh:
- 10 ngày với trẻ:
- Dưới 2 tuổi và/hoặc
- Có lủng màng nhĩ và/hoặc
- Tiền sử AOM tái phát.
- 5-7 ngày với trẻ trên 2 tuổi không có lủng màng nhĩ và không có tiền sử viêm tai giữa tái phát.
- Cách phòng ngừa viêm tai giữa cấp
Bệnh viêm tai giữa ở trẻ nhỏ có thể được phòng ngừa hiệu quả với các biện pháp sau:
- Giữ ấm tốt cho trẻ, nhất là khi thời tiết chuyển mùa vừa giúp phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp vừa hạn chế viêm tai giữa biến chứng.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những trẻ đang có dấu hiệu của bệnh cảm lạnh hay cũng đang bị viêm tai giữa.
- Cho trẻ bú nhiều, ăn nhiều hoa quả, trái cây với trẻ đã ăn được để tăng sức đề kháng.
- Khi cho trẻ bú bình, nên để bé ở tư thế ngồi, tránh bé bú ở tư thế nằm khiến sữa và nước có thể chảy ngược lại vào tai.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá hoặc hóa chất trong môi trường ô nhiễm.
- Tiêm ngừa đầy đủ cho trẻ các loại vắc xin được khuyến cáo hàng năm, trong đó đặc biệt lưu ý vắc xin ngừa cúm và phế cầu.
Tài liệu tham khảo :
- Bộ Y tế (2016), Viêm tai ứ dịch ơ trẻ em, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về tai mũi họng, Ban hành kèm theo Quyết định số 5643/QĐ-BYT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y Tế, 24-28.
- Dickson Gretchen (2014), “Acute Otitis Media”, Primary Care: Clinics in Office Practice, 41(1), pp.11-18.
- Lieberthal A. S., A. E. Carroll, T. Chonmaitree, T. G. Ganiats, A. Hoberman, M. A. Jackson, et al.(2013), “The diagnosis and management of acute otitis media”, Pediatrics, 131(3), pp. e964-999.
- Sakulchit T. & R. D. Goldman (2017), “Antibiotic therapy for children with acute otitis media”, Can Fam Physician, 63(9), pp. 685-687.