Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy
1. Bệnh tiêu chảy ở trẻ em
– Tiêu chảy là một trong các bệnh thường gặp ở trẻ em. Trẻ dưới 2 tuổi, trong một năm trung bình có thể mắc 3-4 đợt và tỷ lệ phải nhập viện trung bình trên cả nước là 57,39%
– Nguyên nhân gây tử vong chính cho trẻ khi bị tiêu chảy là mất nước, điện giải, tiếp theo là gây suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng và tiêu chảy tạo thành một vòng xoắn bệnh lý.
– Định nghĩa: tiêu chảy là hiện tượng đi ngoài phân nước bất thường từ 3 lần trở lên trong 24 giờ
- Tiêu chảy cấp là đợt tiêu chảy kéo dài không quá 14 ngày (chiếm 80% các trường hợp)
- Tiêu chảy kéo dài là đợt tiêu chảy kéo dài trên 14 ngày (chiếm 20% các trường hợp)
– Tác nhân gây bệnh:
- Có thể là virus (Rotavirus là tác nhân chính gây tiêu chảy ở trẻ dưới 2 tuổi)
- Vi khuẩn: Ecoli, Shingella, Campylobacter Jejuni
- Ký sinh trùng: Entamoeba Histolytica, Cryptoporidium, GardiaLamblia
- Tình trạng dinh dưỡng sa sút trong bệnh tiêu chảy cấp
Trong tiêu chảy nguyên nhân gây ra tình trạng dinh dưỡng sa sút là do:- Nôn, chán ăn làm giảm lượng dinh dưỡng ăn vào
- Tiêu chảy làm cho sự hấp thu carbohydrates, chất béo, protein và các chất khoáng cũng như yếu tố vi lượng bị giảm
- Sự bài tiết khối lượng lớn của nitrogen qua phân
- Quá trình chuyển hóa thường cao hơn khi trẻ có sốt, ốm
- Sai lầm trong chế độ ăn kiêng quá mức của gia đình
Do đó trẻ thường bị sụt cân trong quá trình bị tiêu chảy, mệt mỏi và hay quấy khóc.
Trẻ có tình trạng dinh dưỡng tốt thì khi mắc tiêu chảy thì mức độ tiêu chảy cũng như sự hồi phục nhanh hơn so với trẻ suy dinh dưỡng.
- Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy
3.1 Nguyên tắc chế độ ăn trong tiêu chảy cấp
3.1.1 Bù đủ nước cho trẻ
Trong điều trị tiêu chảy điều quan trọng nhất là đề phòng mất nước, nhanh chóng điều trị mất nước và chế độ ăn của trẻ.
Để phòng mất nước ngay tại nhà bằng cách cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường bằng dung dịch ORS pha đúng tỉ lệ, nước đun sôi để nguội, hoặc các dung dịch chế từ thực phẩm như cháo, nước cháo muối, nước gạo rang, nước cơm…
Cách điều trị mất nước tốt nhất là cho trẻ uống ORS và các loại dung dịch chế từ thực phẩm. Số lượng dung dịch cần cho uống tại nhà sau mỗi lần đi ngoài là:- Trẻ dưới 2 tuổi: 50-100ml
- Trẻ từ 2-10 tuổi: 100-200ml
- Trẻ từ 10 tuổi trở lên và người lớn: uống theo nhu cầu
3.2.2 Chế độ nuôi dưỡng tùy theo giai đoạn độ tuổi
* Trẻ dưới 6 tháng tuổi:
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi tiếp tục bú sữa mẹ bình thường và tăng số lần bú
- Nếu không có sữa mẹ cho trẻ ăn sữa công thức mà trước đó trẻ vẫn ăn (chia nhiều bữa trong ngày)
* Trẻ trên 6 tháng tuổi:
- Bú mẹ hoặc sữa công thức trước đó trẻ vẫn dùng nếu không có sữa mẹ và ăn thực phẩm dễ tiêu hóa
- Thức ăn nên mềm nhuyễn, dễ tiêu như cháo, súp, món ninh, hầm, cơm nát, chia nhỏ nhiều bữa
- Lựa chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng, chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và cần giữ ấm thức ăn, ăn ngay sau khi chế biến
- Tiếp tục và khuyến khích trẻ ăn theo nhu cầu để phòng tránh suy dinh dưỡng và nhanh chóng đổi mới các tế bào niêm mạc ruột giúp cho sự phục hồi niêm mạc ruột tổn thương
3.2 Thực phẩm nên dùng cho trẻ tiêu chảy
- Chuối: dễ tiêu hóa và hấp thu, hàm lượng vitamin K dồi dào giúp cho việc bổ sung vitamin K bị mất đi trong tiêu chảy. Chuối cũng giàu pectin và insulin là chất xơ hòa tan giúp cho việc hấp thu dịch trong lòng ruột.
- Gạo, khoai tây, cà rốt: có ít chất xơ nên dễ tiêu hóa và hấp thu
- Táo: là nguồn thực phẩm dồi dào cung cấp pectin.
- Sữa chua: sữa chua có nhiều lactobacillus acidophilus và bifidobacterium bifidum, chúng là probiotic giúp cho sự cân bằng của hệ vi khuẩn chí đường ruột.
- Thịt gà nạc, thịt lợn nạc, thịt bò: Là nguồn dinh dưỡng rất tốt cung cấp protein và các dưỡng chất quan trọng khác.
- Các loại rau: rau ngót, rau cải
- Dầu thực vật: dầu gấc, dầu lạc, dầu hào dễ hòa tan vitamin A,D,E,K tăng hấp thu dinh dưỡng
- Sữa: sữa mẹ, sữa công thức giảm hàm lượng lactose hoặc lactose free (không chứa lactose), sữa đậu nành
3.3 Thực phẩm không nên dùng cho trẻ tiêu chảy
- Đồ ăn nhanh (đồ ăn liền): xúc xích, mì tôm,…
- Sản phẩm từ sữa: bơ, phomai, kem, sữa bò nguyên chất
- Sản phẩm có nhiều đường: như nước ngọt, bánh kẹo, nước hoa quả ngọt đậm
- Thực phẩm nhiều chất xơ không tan, ít chất dinh dưỡng: măng, rau cần, tinh bột nguyên hạt (ngô, đậu đỗ), thực phẩm sinh hơi (hành, tỏi).
- Thức ăn nhiều chất béo: thức ăn chiên rán dễ gây tình trạng tăng co bóp của ruột.
Trên đây là một số hướng dẫn về chế độ ăn cho trẻ khi bị tiêu chảy, hi vọng giúp cho các mẹ có kiến thức chăm sóc cũng như dinh dưỡng đúng để giúp các con nhanh hết bệnh.
Tài liệu tham khảo
- Bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Đại học Y Khoa Hà Nội (2020) – Dinh dưỡng điều trị trong nhi khoa – Nhà xuất bản Y học.
- https://viendinhduong.vn/vi/dinh-duong-tre-em/tre-an-gi-khi-bi-tieu-chay-.html
- https://viendinhduong.vn/vi/dinh-duong-tre-em/che-do-an-trong-benh-tieu-chay-cap-tinh-o-tre-em.html
- https://viendinhduong.vn/vi/dinh-duong-tre-em/che-do-an-trong-benh-tieu-chay-keo-dai-o-tre-em.html