CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT CANDIDA AURIS TẠI BỆNH VIỆN PHONG – DA LIỄU TRUNG ƯƠNG QUY HOÀ
CN. Bùi Thị Bích Thoa
I. Giới thiệu về Candida auris
Candida auris là một loại nấm men dễ lây lan, có thể gây ra bệnh nặng ở người và được phân lập đầu tiên từ ống tai của một phụ nữ 70 tuổi tại Nhật Bản năm 2009.
Candida auris có thể gây ra nhiều kiểu khác nhau như nhiễm trùng nông (ngoài da) và nhiễm trùng nghiêm trọng có thể đe doạ tính mạng như tai, vết thương, máu. Các triệu chứng biểu hiện bệnh không khác biệt so với bất kì nhiễm khuẩn khác như sốt, ớn lạnh, mệt mỏi.
Candida auris có khả năng thích nghi, tồn tại trên các bề mặt đồ vật trong thời gian dài và cơ thể người khoẻ mạnh mà không có bất kì triệu chứng, nó chủ yếu ảnh hưởng đến những bệnh nhân mắc các bệnh lí nền nghiêm trọng hoặc bệnh nhân cần chăm sóc y tế phức tạp.
Candida auris là loài candida đầu tiên được phân loại là kháng nhiều loại thuốc, nồng độ ức chế tối thiểu fluconazole cao và nhạy cảm với các triazole, echinocandin và amphotericin. Các phương pháp xét nghiệm truyền thống thường xác định nhầm Candida auris và Candida haemulonii.
Candida auris khó điều trị và có thể lây lan nhanh chóng. Giám sát sàng lọc những bệnh nhân có nguy cơ cao giúp phát hiện sớm, giám sát môi trường và giám sát tình trạng kháng thuốc chống nấm để để thực hiện các biện pháp kiểm soát lây nhiễm, vệ sinh chuyên sâu và đưa ra các lựa chọn điều trị phù hợp.
Thông qua việc sử dụng giải trình tự toàn bộ bộ gen (WGS), 5 nhánh Candida auris khác nhau dựa trên phân bố địa lý đã được công nhận: nhánh I Nam Á, nhánh II Đông Á, nhánh III Châu Phi, nhánh IV Nam Mỹ và nhánh V từ Iran. Hầu hết các chủng Candida auris đều kháng ít nhất một loại thuốc chống nấm, thậm chí có một số chủng kháng với cả ba nhóm thuốc chống nấm chính. Đặc điểm kháng thuốc chống nấm được xác định là do các yếu tố chính sau: hình thành màng sinh học; hệ thống bơm đẩy; khuynh hướng di truyền và xu thế phát sinh loài mới. Candida auris có khả năng tạo màng sinh học polysaccharide mannan – gluca, khi các lớp màng này dày lên để bảo vệ nó khỏi sự tấn công của hệ thống miễn dịch, thuốc chống nấm và cả các chất khử trùng. Candida auris sở hữu 2 bơm đẩy chính liên quan đến khả năng kháng thuốc chống nấm: ATP Binding Cassette (ABC) và the Major Facilitator Superfamily (MFS). Các chất vận chuyển ABC sử dụng năng lượng liên kết và thuỷ phân ATP để vận chuyển nhiều chất nền qua màng tế bào. Các chất vận chuyển hỗ trợ chính MFS tạo điều kiện cho các chất tan nhỏ di chuyển qua màng tế bào thông qua các gradient thẩm thấu hoá học. Candida auris có họ hàng gần với các loài ít khi được quan sát và mang đặc tính kháng nhiều loại thuốc từ nhánh C. haemulonii. Hầu hết các gen liên quan đến khả năng kháng thuốc và sinh bệnh ở đều được bảo tồn ở C. albicans, C. auris, C. haemulonii, C. duobushaemulonii và C. pseudohaemulonii.
II. Chương trình giám sát
Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ, năm 2022 có 2.377 ca lâm sàng được xác định là nhiễm trùng và dương tính với Candida auris, trong đó số bệnh nhân tử vong nhiễm trùng xâm lấn từ Candida auris chiếm 1/3. Candida auris đã lây lan khắp 12 tiểu bang thuộc Hoa Kỳ, số ca bệnh ngày một tăng lên.
Theo tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ tử vong chung khi nhiễm nấm Candida auris xâm lấn là 29% -53%; Tỷ lệ mắc bệnh hàng năm trên toàn cầu không thể đánh giá được do thiếu các nghiên cứu, giám sát. Hiện tại, không có vaccine để phòng bệnh. Ngăn ngừa và giám sát lây nhiễm là chìa khoá giúp giảm gánh nặng y tế do Candida auris gây ra.
Chương trình giám sát Candida auris được thực hiện tại khoa Vi sinh – Miễn dịch và khoa Sinh học Phân tử, Bệnh viện Phong – Da liễu Trung Ương Quy Hoà:
- Đối tượng giám sát
– Bệnh nhân nội trú được điều trị bằng kháng sinh trong thời gian dài, có biểu hiện nghi ngờ nhiễm trùng huyết.
– Bệnh nhân ngoại trú có các bệnh nhiễm trùng ở tai.
- Các bước thực hiện
2.1. Lấy mẫu bệnh phẩm
– Lấy máu tĩnh mạch đối với bệnh nhân có biểu hiện nhiễm trùng huyết.
– Lấy phết tăm bông tại vùng tai hoặc da nghi nhiễm Candida auris.
2.2. Nuôi cấy nấm trên môi trường Sabouraud dextrose
– Chuẩn bị môi trường thạch Sabouraud dextrose (ở nhiệt độ phòng)
– Cấy bệnh phẩm lên đĩa thạch Sabouraud dextrose
– Ủ ấm ở nhiệt độ 300C
– Quan sát hình thể cấu tạo, tính chất, màu sắc khuẩn lạc trên đĩa thạch: khuẩn lạc Candida có dạng trơn, nhẵn, màu kem, thường mọc nhanh sau 24 giờ.
– Quan sát kính hiển vi sau cấy: tế bào nấm Candida hình tròn hoặc bầu dục, nảy chồi hoặc không.
2.3. Định danh các loài Candida bằng cách tiến hành nuôi cấy vào môi trường Chrom agar
– Chuẩn bị môi trường thạch CHROMagarTM Candida Plus (ở nhiệt độ phòng)
– Cấy mẫu lên đĩa thạch CHROMagarTM Candida Plus
– Ủ ấm ở nhiệt độ 300C, hiếu khí trong 24-48 giờ
– Đọc và diễn giải kết quả
Tên khuẩn lạc | Màu sắc |
C. albicans | Màu xanh lục-xanh lam |
C. auris | Màu xanh lam nhạt với quầng xanh lam,màu xanh lam từ mặt sau của đĩa |
C. tropicalis | Màu xanh lam kim loại với quầng hồng |
C. krusei | Màu hồng và mờ |
C. glabrata | Màu hoa cà |
Các vi khuẩn khác | Hầu như bị ức chế |
2.4. Realtime PCR khẳng định Candida auris
– Chuẩn bị huyền dịch khuẩn lạc
Dùng que cấy bắt khuẩn lạc hoà tan trong nước cất hoặc PBS (phosphate buffered saline)
– Chuẩn bị thành phần realtime PCR
Thành phần | Thể tích |
KOD SYBR qPCR mix | 10µl |
Mồi xuôi | 0,4 µl |
Mồi ngược | 0,4 µl |
Nước (dùng cho PCR) | 8,2 µl |
Huyền dịch khuẩn lạc | 1 µl |
50xROX | 0,04 µl |
– Chu trình nhiệt
Giai đoạn | Nhiệt độ | Thời gian | Chu kì |
Biến tính ban đầu | 980C | 2 phút | 1 |
Biến tính | 980C | 10 giây | 45 |
Bắt cặp | 600C | 10 giây | |
Kéo dài | 680C | 10 giây | |
Phân tích đường cong nóng chảy | từ 650C đến 900C |
– Đọc và diễn giải kết quả: kết quả qPCR được xác định bằng biểu đồ khuếch đại và phân tích đường cong nóng chảy sau khuếch đại
Điểm nóng chảy của Candida auris: 820C
Điểm nóng chảy của Candida albicans: 830C
Điểm nóng chảy của chứng dương: 850C
Tài liệu tham khảo
- CHROMagarTM Candida Plus Instructons For Use NT-EXT-115 Version 5.1.
- Hannah Yejin Kim, et al (2024). Candida auris – a systematic review to inform the world health organization fungal priority pathogens list. Medical Mycology, 62.
- D. Joseph Sexton, et al (2018). Direct detect of emergent Fungal pathogen Candida auris in clinical skin swabs by SYBR Green – Based quantitative PCR assay. Journal of Clinical Microbiology, Vol 56 (12), e01337-18.
- Richard R. Watkins, Rachael Gowen, Michail S. Lionakis, Mahmoud Ghannoum. (2022). Update on the pathogenesis, virulence, and treatment of Candida aurris. Pathogens and Immunity, Vol 7, No 2.
- WHO (2022). WHO fungal priority pathogens list to guide research, development and public health action.
- . https://www.cdc.gov/candida-auris/tracking-c-auris/index.html