fbpx
Chuyên đề KCBĐa khoa phổ cậpTin nổi bật

ỨNG DỤNG PHƯƠNG PHÁP ĐIỆN CHÂM VÀO ĐIỀU TRỊ BÍ TIỂU CƠ NĂNG CHO NGƯỜI BỆNH TẠI BỆNH VIỆN DA LIỄU TRUNG ƯƠNG QUY HÒA

BS. CKII LÊ VĂN TRUNG

ĐẶT VẤN ĐỀ

Bí tiểu là tình trạng thường gặp ở các bệnh lý về hệ tiết niệu ở nội khoa cũng như ngoại khoa. Vấn đề đặt ra là làm sao đưa được nước tiểu ra ngoài giải quyết tình trạng bí tiểu và giải quyết nguyên nhân.  Hiện nay phương pháp thông thường nhất hay áp dụng là đặt sonde tiểu. Tuy nhiên nếu đặt sonde tiểu nhiều lần trên một bệnh nhân mà không giải quyết được nguyên nhân sau đó thì có nguy cơ biến chứng nhiễm trùng niệu hoặc xuất huyết niệu đạo do gây tổn thương niêm mạc … Y học cổ truyền  bước đầu có thể giải quyết tình trạng bí tiểu cơ năng bệnh nhân mà không cần đặt sode tiểu, không để lại tác dụng phụ cho bệnh nhân, đây là vấn đề được đề cập trong chuyên đề này.

I. TỔNG QUAN

A. QUAN ĐIỂM Y HỌC HIÊN ĐẠI:

1. Định nghĩa: Bí tiểu là tình trạng rối loạn đường tiểu, biểu hiện bằng cảm giác muốn đi tiểu nhưng không thể tiểu được và có cầu bàng quang khi khám. [1]

2. Nguyên nhân gây bí tiểu    

2.1 Bàng quang co bóp không đủ mạnh:

          Quá trình đẩy nước tiểu ra ngoài sẽ được thực hiện như sau:  Khi bàng quang có đủ lượng nước tiểu từ 300 – 400ml là xuất hiện cung phản xạ muốn đi tiểu. Khi có tác động nào đó ức chế sự phản xạ này không cho cơ vòng vân mở rộng. Ngược lại, nếu muốn đi tiểu thì não thả lỏng cho cung phản xạ hoạt động và cơ vòng vân mở ra. Bàng quang khi đó sẽ co bóp và tống nước tiểu ra ngoài.

Trường hợp bàng quang không co bóp đủ mạnh sẽ xảy ra khi:

– Mất sự liên hệ với hệ thần kinh thực vật, đặc biệt là các chấn thương cột sống

– Thành bàng quang bị chai xơ do viêm mạn tính, mô đàn hồi bị thay thế bằng mô sợi làm bàng quang co bóp yếu

2.2 Các cơ vòng nhẵn không giãn nở:

          Hiện tượng các cơ vòng nhẵn không giãn nở khi gặp một số trường hợp sau đây:

– Mất liên lạc với hệ thần kinh thực vật hay gặp trường hợp chấn thương cột sống

– Cơ vòng bị xơ chai bẩm sinh hay do viêm mạn tính

– Cơ vòng bị biến dạng và chèn ép bởi u tiền liệt tuyến, bị bít kín do sỏi ở bàng quang

2.3 Niệu đạo không thông suốt

          Niệu đạo không thông suốt do các nguyên nhân như: Bị chít hẹp do viêm làm xơ hóa, bị bít lại do sỏi hoặc bị vỡ do các chấn thương.

2.4 Sau khi sinh, bàng quang không nhạy cảm với kích thích khi nước tiểu đầy, gây bí tiểu.

2.5 Ngoài ra, khi bí tiểu, động tác thông tiểu nhiều lần gây phù nề niệu đạo và viêm bàng quang, làm cho triệu chứng bí tiểu thể hiện rõ.

2.6. Nguyên nhân sau mổ đẻ, các phẫu thuật khác :

– Do gây mê, gây tê: Do thuốc gây tê tủy sống có Bupivacain và Fentanyl (là thuốc có chứa Morphine), có tỷ lệ gây bí tiểu 10-15% sau mổ.

– Người bệnh quá lo lắng.

3. Phân loạn bí tiểu

3.1 Bí tiểu cấp tính:

          Hiện tượng đột ngột bí tiểu, cố rặn mới ra vài giọt nước tiểu trong khi bàng quang căng đầy, cảm giác tức bụng và đôi khi xuất hiện cơn co thắt. Nguyên nhân do u tuyến tiền liệt, sỏi mắc nghẽn cổ bàng quang hoặc niệu đạo, chấn thương vỡ hoặc giập niệu đạo, chấn thương cột sống…

3.2 Bí tiểu mạn tính:

          Tình trạng khó tiểu xảy ra trong thời gian dài, nước tiểu tồn tại trong bàng quang ngày một tăng lên. Đến một thời gian nào đó khối cầu bàng quang hình thành ngày một lớn, to như quả bóng. Sự ứ đọng này vô cùng nguy hiểm với thận. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ra sự căng trướng toàn bộ hệ tiết niệu, viêm nhiễm tiết niệu ngược dòng và suy thận. Lúc đó sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.

3.3 Xử trí bí tiểu?

–  Nếu là bí tiểu cấp tính: người bệnh cần được thông tiểu ngay. Nếu có sỏi thì phẫu thuật lấy sỏi giải quyết sự chèn ép nước tiểu hoặc dùng các ống dẫn nước tiểu luồn vào niệu đạo tới bàng quang để nước tiểu thoát ra ngoài được.

–  Nếu là bí tiểu mạn tính: biện pháp điều trị là thông đường tiểu qua da, giảm ngay sự căng trướng, ứ đọng của nước tiểu trong bàng quang, sau đó loại bỏ nguyên nhân gây bí tiểu.

          Tất cả các hiện tượng bí tiểu đều phải được nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và có các biện pháp xử trí kịp thời, người bệnh (đặc biệt là nam giới lớn tuổi) cần phải đặc biệt chú ý đến điều này. Nếu để lâu sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm [2]

B. QUAN ĐIỂM Y HỌC CỔ TRUYỀN

1. BÍ TIỂU DO CƠ NĂNG

          Bí tiểu cơ năng là chỉ những trường hợp bí tiểu không phải do nguyên nhân cơ giới gây cản trở đường ra của nước tiểu. Nguyên nhân thường gặp là do: viêm nhiễm, sau phẫu thuật vùng tiểu khung, điều trị trĩ bằng phẫu thuật…

          Bí tiểu cơ năng thuộc phạm vi chứng lung bế của Y học cổ truyền. Lung bế là chứng tiểu tiện ít, khó khăn, tiểu không thông. Lung là tiểu tiện ít, tiểu không dễ dàng. Bế là chỉ một giọt nước tiểu cũng không ra, tiểu không thông, muốn đi tiểu cũng không được.

          Lung bế là do sự khí hóa của bàng quang và tam tiêu bất lợi gây nên. Tiểu tiện không thông là do Thận và Bàng quang có nhiệt. Chứng tiểu tiện không thông có 4 loại là: Bàng quang tích nhiệt, phế nhiệt khí trệ, can khí uất kết, trọc ứ nghẽn tắc

2. NGUYÊN NHÂN GÂY CHỨNG LUNG BẾ:

2.1 Ăn uống:

          Thức ăn cay, uống nhiều rượu, đồ béo ngọt nhiều, làm tỳ mất sự kiện vận. Thấp nhiệt từ trong sinh ra ngăn trệ ở trong, dồn xuống hạ tiêu, thấp nhiệt làm hại thận, nhiệt tích ở bàng quang, khí hóa không lợi phát sinh Lung bế.

2.2 Tà nhiệt làm thương phế, ôn nhiệt phạm phế.

          Phế mất sự túc giáng, hoặc phế táo, hại tân dịch. Thận mất sự tư dưỡng đều có thể dẫn đến phế mất lưu thông điều hòa, phát sinh Lung bế

2.3 Nhân tố tinh thần

          Kinh sợ, uất hận, căng thẳng dẫn đến can khí uất trệ, sơ tiết thất thường hoặc do bệnh biến khoang bụng, bệnh tật sản phụ khoa, trĩ ở giang môn… Sau khi phẫu thuật, tại chỗ bị đau kịch liệt làm khí cơ bị vít tắc gây nên tiểu tiện khó khăn.

2.4 Trọc ứ đọng ở trong:

          Trọc ứ ở trong hóa thành cặn sỏi nhỏ cản trở lưu thông thủy đạo gây nên bài tiết tiểu tiện khó khăn, ít thông.

3. CÁC THỂ CỦA CHỨNG LUNG BẾ

-Thể bàng quang tích nhiệt

– Phế nhiệt khí trệ

– Can khí uất trệ

– Trọc ứ nghẽn tắc [ 3]

C. ỨNG DỤNG TRONG NƯỚC:

Điều trị bí tiểu cơ năng bằng phương pháp điện châm được ứng dụng tại các cơ sở y tế như: Bệnh Viện YHCT TP. Hồ Chí Minh, Khoa YHCT Bệnh viện đa khoa Tỉnh Kon Tum, Viện châm cứu Trung ương Hà nội … Điển hình tại Bệnh viện YHCT Đà Nẵng: Một bệnh nhân viêm não màng não bị bí tiểu gần 3 tuần, đã được các bác sĩ một bệnh viện đa khoa chỉ định phẫu thuật mở thông bàng quang ra da, nhưng sau đó đã xin chuyển đến Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) Đà Nẵng để điều trị bảo tồn. Chỉ sau 1 tuần điều trị bằng châm cứu và thuốc Đông y, bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục, đi tiểu tự chủ. Đó là trường hợp của bệnh nhân Lê Thị D, 61 tuổi, ở Hòa Khánh Nam (Liên Chiểu, Đà Nẵng) – theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Bệnh viện YHCT Đà Nẵng đã cho biết.[9]

II. ĐIỀU TRỊ THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

          Để điều trị các thể trên bằng phương pháp điện châm ta cần xét đến tính quan hệ biểu lý của đường kinh lạc trên cơ thể chi phối đến tạng phủ  từ đó ta đề ra phương huyệt theo lý luận y học cổ truyền để điều trị chứng Lung bế. Các kinh lạc liên quan là:

– Mạch Nhâm

– Kinh Thủ Thái Âm Phế

– Kinh Túc Quyết Âm Can

– Kinh Túc Thái Âm Tỳ

– Kinh Túc Dương Minh Vị

– Kinh Túc Thiếu Dương Đởm

– Kinh Túc Thái Dương Bàng Quang [3]

1. PHƯƠNG HUYỆT CHUNG:

Châm tả các huyệt: Khí Hải, Quang Nguyên, Trung Cực, Qui Lai, Khúc Cốt, Dương Lăng Tuyền, Hành Giang, Đại Đôn, Ản Bạch, Lệ Đoài, Tam Âm Giao, Chí Âm.

Tùy theo thể bệnh ta gia giảm sau:

a/Lung bế do Thể bàng quang tích nhiệt:

 – Triệu chứng: Tiểu tiện lượng ít, nhỏ giọt sẻn đỏ, niệu bế không thông, bụng dưới đầy, miệng đắng và khô, không muốn uống nước, đại tiện khó, rêu lưỡi vàng và nhớt, chất lưỡi đỏ, mạch sác.

 – Pháp điều trị: Thanh nhiệt lợi thủy.

– Châm cứu: Châm tả các huyệt trên thêm:

Nếu tâm phiền, miệng lưỡi loét viêm, đầu lưỡi đỏ đau gia: châm bổ nội quan, thần môn.

Nếu miệng đắng dính, rêu lưỡi vàng nhớt gia: tả hợp cốc, khúc trì, dương lăng tuyền, đởm du

b/ Lung bế do Phế nhiệt khí trệ:

 -Triệu chứng: Tiểu tiện nhỏ giọt không dễ dàng hoặc tia nhỏ không thông. Họng khô, phiền khát, thích uống nước. Thở ngắn gấp, ho có đờm vàng, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch sác.

– Pháp điều trị: Thanh phế lợi thủy

– Châm cứu: Châm tả các huyệt trên thêm:

Nếu tâm phiền, đầu lưỡi đỏ gia: Khúc trì, Liệt khuyết. Tâm du

Nếu đại tiện khô kết: túc tam lý, đại trường du, bát liêu, phục lưu, hợp cốc

c/Lung bế do Can khí uất trệ:

 – Triệu chứng: Sau khi tình chí uất hận hoặc sau phẫu thuật sản khoa, giang môn bị đau quá dẫn đến tiểu tiện đột ngột không thông hoặc thông mà không dễ dàng, bụng đầy chướng hoặc đau, dễ bị xúc động, buồn phiên, dễ cáu giận, rêu lưỡi vàng, chất lưỡi đỏ, mạch huyền.

– Pháp điều trị: Sơ can lý khí, thông lợi tiểu tiện

– Châm cứu: Châm tả các huyệt trên thêm can du, túc lâm khấp, túc thiếu âm

d/ Lumg bế do Tróc ứ nghẽn tắc:

– Triệu chứng: Tiểu tiện nhỏ giọt hoặc tia nhỏ như sợi tơ nghẽn tắc ít thông, bụng dưới trướng đầy, chất lưỡi tía có điểm ứ huyết, mạch tế sác.

– Châm cứu: Châm tả các huyệt trên thêm hợp cốc, phục lưu, Huyết hải.

*Chú ý:

          Sau khi bệnh nhân đã thông tiểu được rồi có thể tiếp tục châm cứu duy trì sau 5 đến 10 ngày hoặc 1 tháng tùy theo thể trạng bệnh nhân để điều hòa công năng tạng phủ, kinh lạc. Tùy theo thể bệnh có thể kết hợp uống thuốc đông y nâng cao thể trạng, chức năng tạng phủ [7]

2. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Đang hôn mê

– Tinh thần còn lơ mơ chưa tỉnh táo

– Rối loạn tâm thần kinh

– Động kinh hoặc có tiền sử động kinh

– Tiền sử hay vựng châm

– Nhồi máu cơ tim, suy tim nặng- Huyết áp cao dao động

*Cần thận trọng và cân nhắc trong các trường hợp sau:

– Thiếu máu cơ tim

– Bệnh phổi mãn tính (COPD, Phế khí thủng…)

– Đang có kinh nguyệt

– Trẻ em dưới 2 tuổi

– Các chống chỉ định khác: đói, ăn quá no, say rượu, có thai … [2]

III. ỨNG DỤNG TẠI BỆNH VIỆN DA LIỄU TW QUY HÒA

Khoa YHCT Bệnh viện Da liễu TW Quy Hòa được các khoa mời châm cứu kết hợp bệnh nhân bị rối loạn đi tiểu là từ tháng 8/2015 đến 7/2020 được 35 ca:

KẾT QUẢ: Tất cả B/N tiểu lại bình thường sau khi điện châm.

– Điển hình 1: Bệnh nhân là sinh viên Nguyễn Văn H., 19 tuổi, điều trị tại khoa HSCC với chẩn đoán SXH Dengue ngày thứ 5, xét nghiệm TC: 60 G/L có xuất huyết dưới da, kèm bí tiểu khám có cầu bàng quang căng to. Sau khi điện châm Bệnh nhân tiểu được 500 ml.

– Điển hình 2: Bệnh nhân Nguyễn Thị T., 78 tuổi điều trị tại khoa Ngoại, chẩn đoán bí tiểu sau mổ gãy cổ xương đùi, có tiền sử tăng huyết áp + TBMMN. Sau điện châm Bệnh nhân tiểu tiện trở lại bình thường.

 – Điển hình 3: Bệnh nhân Đào Văn N., 65 tuổi tại khoa YHCT, chẩn đoán: Di chứng liệt ½ người (T) + tiểu khó /TBMMN. Sau khi điều trị uống thuốc đông y kết hợp điện châm 15 ngày thì bệnh nhân đi tiểu thông không khó nữa.

IV. KẾT LUẬN

Dùng phương pháp điện châm vào điều trị bí tiểu cơ năng nhất là sau phẫu thuật đã được đưa vào giảng dạy tại các trường y tế cho sinh viên, KTV. Ứng dụng này được áp dụng tại các Bệnh viện chuyên khoa, đa khoa trên toàn quốc và mang lại nhiều kết quả khả quan. Đây là phương pháp giúp người bệnh bí tiểu không phải dùng ống sonde tiểu nhiều lần tránh nguy cơ nhiễm trùng niệu. Tuy nhiên cũng có trường hợp điện châm không thành công cần can thiệp Y học hiện đại.

 Khoa YHCT Bệnh viện Da liễu T.Ư Quy Hòa đã áp dụng điều tri một số ca thành công và trên đây là những con số còn khiêm tốn, cần phải có nhiều B/N hơn nữa điều trị có kết quả mới đánh giá hết được chất lượng điếu trị bí tiểu bằng phương pháp điện châm này. Tuy nhiên đó cũng là bước đầu thuận lợi áp dụng kế thừa phương pháp này tại khoa YHCT và cũng làm nền tảng mở rộng nghiên cứu đề tài về phương pháp điều trị này trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bài giảng ngoại khoa (2002) – Đại học y Hà nội – NXB Hà nội, tr26

2.  B. chiche, P. moulle-Berteaux (2007), Cấp cứu ngoại khoa, NXB, tr7

3.  Bài giảng YHCT (1999) – Đại học y Hà nội – NXB Hà nội, tr15, tr18

4.   Bách khoa thư bệnh học (1991) – Trung tâm quốc gia – NXB Hà nội

5.  Châm cứu học (2015) – Viện châm cứu học – NXB Hà nội

6.  Châm cứu đại thành (1995) – NXB y học tp Hồ Chí Minh

7.  Châm cứu chữa bệnh GS Nguyễn Tài Thu (2012) –NXB Hà nội, tr 25

8.  Lý luận cơ bản YHCT (1990)– NXB Y học Hà nội

9. “Suckhoedoisong.vn” – Bộ Y tế

Show More

Related Articles

Back to top button