fbpx
Chuyên đề KCBĐiểm tin y tế

Khi nào cần bổ sung vi chất cho trẻ

Bên cạnh các chất dinh dưỡng đa lượng đạm, đường, béo cung cấp năng lượng cho cơ thể thì vi chất dinh dưỡng là những chất quan trọng không thể thiếu giúp chuyển hóa. Vi chất dinh dưỡng là gì? Chúng có vai trò, tác động như thế nào đến sức khỏe thể chất và trí tuệ của trẻ nhỏ, xin mời bạn đọc tham khảo bài viết sau đây.

1. Vi chất dinh dưỡng là gì?

Vi chất dinh dưỡng là những chất mà nhu cầu cơ thể hàng ngày rất ít, đơn vị tính thường bằng miligam hoặc nhỏ hơn.

Vi chất bao gồm các vitamin và khoáng chất vi lượng.

  • Các khoáng chất vi lượng: sắt, kẽm, đồng, mangan, iot, selen, fluor…
  • Vitamin bao gồm: vitamin tan trong chất béo (vitamin A, D, E, K) và các vitamin tan trong nước(vitamin nhóm B và C)

2. Vai trò của vi chất ở trẻ em

Mặc dù cơ thể chỉ cần một lượng vi chất rất ít hàng này, nhưng đây là những chất tối quan trọng với sự sống, vì vi chất tham gia tất cả các quá trình chuyển hóa, tham gia cấu trúc cơ thể, là thành phần của các men, các nội tiết tố, các chất xúc tác phản ứng nội tế bào.

Các loại vi chất này cơ thể con người không thể tự tổng hợp được mà phải lấy từ thức ăn. Khác với chất dinh dưỡng đa lượng sinh năng lượng, sự thiếu hụt chất dinh dưỡng vi lượng thường không có triệu chứng đặc biệt và sớm nên khó phát hiện. Người ta chỉ phát hiện ra khi tình trạng thiếu hụt kéo dài và xảy ra các biến chứng nặng nề. Do đó, các nhà dinh dưỡng học gọi tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng là “nạn đói tiềm ẩn”.

3. Biểu hiện của thiếu vi chất thường gặp ở trẻ em

Vi chất Biểu hiện thiếu vi chất
Vitamin A Tăng sừng nang lông vảy da, quáng gà, vô sinh nam chậm tăng trưởng bệnh khô mắt (nhuyễn giác mạc, loét giác mạc chấm Bitot, mù); suy giảm miễn dịch.
Vitamin D3 (Cholecalciferol) Còi xương, suy dinh dưỡng; trẻ kích thích, quấy khóc, khó ngủ hay giật mình, ra mồ hôi trộm vào ban đêm; rụng tóc gáy; giảm trương lực cơ; biến dạng xương.
Vitamin C (Acid Ascorbic) Viêm nướu, chảy máu chân răng, xuất huyết dạng điểm dưới da, chậm lành vết thương. Bệnh Scurvy (hiện tại hiếm gặp)
Folic acid (Folacin, Folate) Thiếu máu  hồng cầu to (Macrocytic anemia), giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, viêm lưỡi, viêm miệng, kém hấp thu
Canxi (Calcium) Còi xương suy dinh dưỡng, chậm phát triển răng và xương, loãng xương dẫn đến gãy xương, đau xương, sụt cân
Sắt (Iron) Da xanh xao, niêm mạc nhợt, hay mệt mỏi, kém tập trung, trẻ chậm phát triển vận động và nhận thức, chán ăn, ít hoạt động, ngừng tăng cân,…
Kẽm (Zinc) Chán ăn, chậm tăng trưởng, sụt cân, viêm da, viêm lưỡi, da khô,  chậm lành vết thương, miễn dịch tế bào suy yếu, thiểu năng sinh dục,…

4. Khi nào trẻ cần bổ sung vi chất?

  • Trẻ sơ sinh đến tối thiểu 2 tuổi: Cần bổ sung vitamin D vì vitamin D có hàm lượng rất ít trong thức ăn và sữa mẹ, chủ yếu được da tổng hợp dưới ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, việc phơi nắng trẻ vẫn còn nhiều tranh cãi,  bổ sung đường uống được khuyến cáo 400UI/ngày đối với trẻ nhỏ dưới 12 tháng và 600UI/ngày với trẻ trên 1 tuổi
  • Trẻ bị tiêu chảy: Bổ sung kẽm 1-2 mg/kg/ngày ít nhất 2 tuần sau  mỗi đợt tiêu chảy
  • Trẻ kén ăn chỉ ăn một vài thực phẩm, khẩu phần ăn không đa dạng.
  • Trẻ hay ốm vặt: sổ mũi, cảm cúm, ho sốt,…
  • Trẻ biếng ăn, chán ăn, chậm phát triển thể chất, suy dinh dưỡng ăn không đủ khẩu phần.

 

Để bổ sung vi chất có hiệu quả, an toàn các mẹ nên cho con đi thăm khám bác sĩ, làm các xét nghiệm vi chất cần thiết để biết được chính xác vi chất nào còn thiếu, thiếu ở mức độ nào từ đó được chỉ định liều lượng, thời gian bổ sung tránh gây thừa hay bù không đủ cho trẻ.

5. Dự phòng thiếu vi chất ở trẻ

Hưởng ứng ngày vi chất dinh dưỡng năm 2021, Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người dân, mỗi gia đình thực hiện một số biện pháp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng. Cụ thể:

  1. Bữa ăn hàng ngày cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm; lựa chọn và sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng.
  2. Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; cho trẻ bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.
  3. Sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng có sẵn ở địa phương cho bữa ăn bổ sung hàng ngày của trẻ; thêm mỡ hoặc dầu ăn để tăng cường hấp thu vitamin A, vitamin D.
  4. Cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/năm; bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều vitamin A.
  5. Trẻ từ sau 12 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun.
  6. Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.

  Hy vọng bài viết trên cung cấp cho bạn một số thông tin về việc bổ sung vi chất cho trẻ. Việc bổ sung vi chất là cần thiết ở một số trẻ, các mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để việc bổ sung vi chất có hiệu quả và an toàn.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Đại học Y Khoa Hà Nội (2020) – Dinh dưỡng điều trị trong nhi khoa – Nhà xuất bản Y học.
  2. Bộ môn dinh dưỡng – an toàn thực phẩm Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch – Dinh dưỡng học – nhà xuất bản y học.
  3. Thông điệp truyền thông ngày Vi chất dinh dưỡng (1-2/6/2021) (bản word)
Show More

Related Articles

Back to top button