Làm gì để chiều cao của trẻ được phát triển tối đa?
Con cao lớn, khỏe mạnh, thông minh có lẽ là mong ước của tất cả các bậc cha mẹ. Trong đó sự phát triển chiều cao của con cũng là mối quan tâm của nhiều cha mẹ trong quá trình phát triển toàn diện của con. Vậy những yếu tố nào ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ? Làm sao để tạo điều kiện cho con tăng trưởng chiều cao tối đa? Bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây.
1. Thực trạng về chiều cao người Việt Nam
Mặc dù trẻ em Việt Nam có chiều cao trung bình khoảng 50cm, tương đương với chiều dài của các trẻ em mới sinh tại các quốc gia trên thế giới, nhưng sau đó chiều cao trung bình của trẻ em Việt Nam luôn thua kém với các quốc gia khác. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi lên tới 24,6% khiến Việt Nam nằm trong nhóm 30 quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao nhất thế giới.
Vào tháng 4/2021, Bộ Y tế đã công bố kết quả “Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2017- 2020” của Viện dinh dưỡng Quốc Gia. Trong đó kết quả chiều cao đạt được của thanh niên Việt Nam được công bố như sau:
- Chiều cao trung bình của thanh niên nam ở tuổi 18 là: 168,1cm.
- Chiều cao trung bình của thanh niên nữ ở tuổi 18 là: 156,2cm.
So với năm 2010 chiều cao của nam giới đã tăng thêm 3,7 cm và nữ giới tăng thêm 2,6 cm. Những con số này cho thấy chiều cao của thanh niên Việt Nam đã tăng đáng kể so với 10 năm trước, nhưng vẫn thấp hơn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Theo số liệu của cuộc điều tra diện rộng diễn ra năm 2020, chiều cao trung bình trên thế giới là 176,1 cm đối với nam và 163,1cm đối với nữ. Như vậy, chênh lệch chiều cao giữa Việt Nam và thế giới là 8cm đối với nam và 6,9cm đối với nữ.
2. Những yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng chiều cao người ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bao gồm gene di truyền quyết định 23%, 77% còn lại được quy định bởi yếu tố nuôi dưỡng bên ngoài. Như vậy, các bậc cha mẹ có đến 77% cơ hội để cải thiện chiều cao của con trẻ bằng cách cải thiện chế độ dinh dưỡng, vận động và sinh hoạt. Trong các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao thì dinh dưỡng chiếm vai trò quan trọng nhất, quyết định đến 32% chiều cao của bé; tiếp đến là điều kiện sinh hoạt 25% (môi trường sống, bệnh mạn tính và bẩm sinh, chế độ nghỉ ngơi,…) và cuối cùng là chế độ vận động, thể dục thể thao quyết định 20%.
3. Tại sao trẻ chậm phát triển chiều cao?
Trẻ chậm phát triển chiều do một hoặc nhiều nguyên nhân sau đây:
- Do di truyền cả cha mẹ và ông bà 2 bên đều thấp bé
- Do chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp:
- Trẻ ăn dặm quá sớm hoặc quá trễ gây giảm hấp thu các chất dinh dưỡng
- Bữa ăn hằng ngày không cung cấp đủ các dưỡng chất thiết yếu như chất đạm, chất béo, sắt, kẽm, magie, canxi, vitamin A, vitamin D,…
- Trẻ ăn quá mặn gây tăng canxi trong nước tiểu
- Do bệnh lý
- Trẻ suy dinh dưỡng trong bào thai hoặc suy dinh dưỡng ngay từ khi còn nhỏ
- Trẻ còi xương sớm
- Trẻ thường xuyên mắc các bệnh như: nhiễm trùng, viêm phổi, tiêu chảy,…
- Trẻ mắc các bệnh như suy tuyến giáp, suy tuyến yên,…
- Trẻ mắc các bệnh rối loạn nhiễm sắc thể như: hội chứng Down, hội chứng Turner,…
- Trẻ mắc các bệnh bẩm sinh như tim bẩm sinh, chẻ vòm hầu,…
- Do môi trường, tâm lý:
- Trẻ thường xuyên bị rối loạn giấc ngủ
- Trẻ bị sang chấn tinh thần do căng thẳng trong học tập, quan hệ gia đình,…
- Môi trường sống nhiều tiếng ồn,…
4. Khi nào trẻ cao tối đa
Hai giai đoạn vàng giúp trẻ phát triển chiều cao tối đa là giai đoạn 1000 ngày đầu đời và giai đoạn tiền dậy thì – dậy thì.
4.1. 1000 ngày đầu đời
Giai đoạn mang thai và giai đoạn hai năm đầu đời là giai đoạn vàng giúp trẻ phát triển chiều cao nhanh nhất.
- Chín tháng mười ngày trong bụng mẹ trẻ có chiều dài trung bình là 50cm
- Trẻ tăng 25cm trong năm đầu tiên và 10cm mỗi năm trong 2 năm tiếp theo.
Đây là giai đoạn quyết định đến 60% khả năng tăng trưởng chiều cao trong tương lai nếu được chăm sóc và nuôi dưỡng tốt.
4.2 Giai đoạn tiền dậy thì – dậy thì
Trẻ phát triển nhanh cơ bắp và khung xương, cân nặng, chiều cao trong giai đoạn tiền dậy thì (8-9 tuổi) và dậy thì (12-18 tuổi). Trẻ có thể tăng chiều cao 10 -15 cm/năm. Sau 15 tuổi ở nữ và 17 tuổi ở nam tốc độ tăng trưởng chiều cao giảm dần và ngưng lại.
5. Làm gì để chiều cao của trẻ được phát triển tối đa?
5.1 Dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng và đa dạng
Chế độ dinh dưỡng cân đối và hợp lý sẽ giúp trẻ tăng trưởng chiều cao tối đa, đặc biệt trong các giai đoạn phát triển quan trọng.
5.1.1 Giai đoạn bào thai
Giai đoạn nền tảng cho sự phát triển chiều cao của trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
- Mẹ cần cung cấp đủ năng lượng 2200-2400 Kcal/ngày từ 3 bữa chính và 2 bữa phụ. Trong thai kỳ mẹ cần tăng từ 10 -12 kg để sinh con có cân nặng khoảng 3Kg và chiều dài 50cm.
- Mẹ cần bổ sung viên sắt (60mg và 400ug acid folic) mỗi ngày một viên từ khi mang thai đến sau sinh 1 tháng.
- Mẹ cần ăn đủ 1200mg Canxi mỗi ngày
5.1.2 Giai đoạn 2 năm đầu đời
Giai đoạn quan trọng nhất vì chiều cao của trẻ tăng thêm 35cm trong 2 năm đầu tiên
- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn vào 6 tháng đầu và kéo dài đến 18-24 tháng vì sữa mẹ giàu chất dinh dưỡng và kháng thể giúp trẻ phòng ngừa bệnh tật.
- Cho trẻ ăn dặm từ 6 tháng tuổi (1 cữ bột loãng hoặc cháo rây loãng /ngày)
- Trẻ 7-9 tháng 2-3 cữ cháo/ngày
- Từ 10 -24 tháng 3 cữ cháo/ngày nếu không đủ sữa mẹ có thể cho trẻ dùng sữa công thức phù hợp lứa tuổi
- Bữa ăn của trẻ đảm bảo đủ 4 nhóm dưỡng chất: tinh bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất, chế độ ăn đa dạng các loại thực phẩm và độ thô phù hợp với lứa tuổi của bé.
- Nên bổ sung vitamin D3-K2 cho trẻ 400UI/ngày cho bé dưới 1 tuổi và 600 UI cho trẻ trên 1 tuổi ít nhất 2 tuổi.
5.1.3 Đối với trẻ lớn hơn
Ngoài 3 bữa chính (sáng – trưa – chiều) cần cho trẻ ăn thêm hai bữa phụ. Trong đó bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhưng chưa được các cha mẹ chú trọng nhiều bởi công việc bận rộn, thời gian chuẩn bị quá ít. Tuy nhiên, bữa ăn sáng là bữa chính: cung cấp năng lượng cho trẻ học tập và hoạt động cho một ngày mới sau thời gian ngủ dài. Do đó, trẻ không được bỏ hoặc ăn sáng không đầy đủ sẽ dẫn đến hạ đường huyết trong giờ học buổi sáng và về lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất trẻ.
Bữa ăn chính: cần đủ 4 nhóm thực phẩm (nhóm giàu chất bột, nhóm giàu chất béo, nhóm giàu chất đạm và nhóm giàu vitamin, khoáng và chất xơ) nhằm cung cấp đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ.
Khẩu phần các nhóm thực phẩm trong ngày phải cân đối theo khuyến cáo của của bộ y tế theo từng giai đoạn tuổi. Không cho trẻ ăn quá nhiều nhóm tinh bột và chất béo ở trẻ bị thừa cân bởi béo phì, thừa cân là gánh nặng lên hệ xương khớp làm hạn chế phát triển chiều cao của trẻ.
Thay đổi thường xuyên các thực phẩm trong nhóm và cách chế biến để trẻ cảm thấy ngon miệng và nhận được đa dạng đầy đủ chất dinh dưỡng từ thực phẩm. Khuyến khích trẻ ăn nhiều thực phẩm chứa các dưỡng chất cần thiết cho quá trình tăng trưởng chiều cao: thịt, trứng, sữa, các loại đậu, hải sản, tôm, cua, cá, phô mai và các trái cây nhiều vitamin A,D.
Chế độ ăn đảm bảo nhu cầu Canxi:
Canxi là thành phần quan trọng trong cấu trúc xương và răng (99%), giúp xương phát triển vững chắc và giúp trẻ phát triển chiều cao. Các thực phẩm giàu Canxi: sữa, cua ốc, tôm, tép, cá nhỏ nguyên xương ….Canxi được cơ thể hấp thụ rất tốt từ sữa. Lượng sữa cần cho trẻ mỗi ngày là khoảng 500ml.
Ngoài ra, để tăng hấp thu canxi từ thực phẩm cần có mặt của vitamin D và vitamin K2. Lượng vitamin D tự nhiên có trong thức ăn là rất ít, phần lớn cơ thể tổng hợp vitamin D ở da dưới ánh sáng mặt trời. Nếu trẻ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời ít thì nên bổ sung vitamin D tổng hợp với liều 400UI/ngày từ lúc sinh đến ít nhất hai tuổi.
Đảm bảo đủ khẩu phần đạm, lựa chọn thực phẩm giàu đạm Lysin: thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đậu nành …
5.2 Tăng cường vận động thể dục, thể thao
Vận động thể lực sẽ kích thích, đẩy mạnh quá trình chuyển hóa năng lượng, trao đổi chất, thúc đẩy tăng trưởng cơ thể và tăng cường đưa canxi vào mô xương giúp xương dài ra và vững chắc hơn.
Viện Y học ứng dụng Việt Nam cũng đã đưa ra các khuyến cáo bài tập theo phương án 5+2 bao gồm 5 ngày thể dục (30 phút/ngày) và 2 ngày thể thao (60 phút/ngày) trong tuần với các môn thể dục, thể thao ngoài trời và đồng đội nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất.
Đặc biệt, nên khuyến khích bé lựa chọn các bài tập, môn thể thao như: đạp xe, bóng chuyền, bóng rổ, bơi lội, nhảy dây, xà đơn, xà kép với trẻ lớn … để tăng chiều cao cho bé.
Bên cạnh đó, bố mẹ cần hướng dẫn trẻ ngồi, đi, đứng đúng tư thế. Việc sai tư thế có thể tác động xấu đến xương khớp của trẻ, gây nên tình trạng cong vẹo cột sống, gù lưng.
5.3 Nâng cao chất lượng giấc ngủ
Nghiên cứu cho thấy khi trẻ ngủ sâu, não bộ sẽ tiết ra một lượng lớn hormone tăng trưởng GH giúp trẻ phát triển chiều cao và cân nặng. Do đó, bố mẹ nên cho trẻ ngủ sâu và ngủ đủ giấc. Thời gian ngủ của trẻ thay đổi theo từng giai đoạn tuổi được khuyến cáo như sau:
- Trẻ sơ sinh: 18 – 20 giờ/ngày
- Trẻ từ 2 đến 4 tháng: 16 -18 giờ/ngày
- Trẻ từ 4 đến 12 tháng: 14 -15 giờ/ngày
- Trẻ từ 1 đến 3 tuổi: 12 -14 giờ/ngày
- Trẻ từ 3 đến 6 tuổi: 10 -12 giờ/ngày
- Trẻ từ 7 đến 12 tuổi: 10 -11 giờ/ngày
- Trẻ trên 12 tuổi: 8 – 9 giờ/ngày
Khoảng thời gian não bộ tiết nhiều hormone GH nhất là từ 22h đến 1h sáng hôm sau. Một giấc ngủ chất lượng sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển ở trẻ. Do đó, bố mẹ có thể giúp trẻ ngủ nhanh hơn, sâu hơn bằng cách:
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với màn hình điện thoại, tivi, máy tính hay bất kỳ thiết bị điện tử nào ít nhất 1 giờ trước khi ngủ.
- Tránh cho trẻ uống sữa hay ăn quá no trong vòng 2 giờ trước khi đi ngủ.
- Hạn chế cho trẻ ăn bánh kẹo ngọt hoặc thực phẩm chứa nhiều tryptophan và cafein trước khi ngủ.
- Bố mẹ có thể đọc truyện hay bật một bài nhạc để bé dễ ngủ hơn.
- Đảm bảo nhiệt độ phòng mát mẻ để bé dễ ngủ.
6. Một số sai lầm ảnh hưởng đến chiều cao của con:
- Chế độ không cân đối: ăn nhiều đạm, chất béo và bột, đường nhưng lại thiếu rau củ quả dẫn đến thiếu vitamin và chất khoáng. Trong nhóm vitamin và khoáng chất thì canxi, photpho, magie, kẽm, sắt… là quan trọng nhất cho sự tăng trưởng chiều cao.
- Thói quen ít vận động, đi ngủ muộn: Trẻ ít vận động ngoài trời và ngồi xem tivi, đọc truyện, say mê vi tính thay vì chơi thể thao, tập thể dục . Bên cạnh đó, các gia đình có khuynh hướng ngủ muộn (sau 22 giờ) làm rút ngắn giấc ngủ sâu.
- Môi trường sống không đảm bảo : Không khí ô nhiễm, trẻ hút thuốc thụ động, tiếng ồn, dịch bệnh, trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, các bệnh mạn tính, sử dụng thuốc kháng sinh liều cao liên tục trong thời gian dài, dùng thuốc thiếu sự tư vấn của bác sĩ cũng gây hại cho quá trình phát triển về thể chất và chiều cao của trẻ.
Như vậy chiều cao của trẻ hoàn toàn được cải thiện bởi dinh dưỡng, vận động động, thói quen sống và môi trường mà không phải phụ thuộc hoàn toàn vào gen di truyền. Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin hữu ích đến bạn đọc về sự phát triển chiều cao của con, cách tạo điều kiện cho con phát triển tối đa và tránh những sai làm làm ảnh hưởng đến chiều cao của con.
Tài liệu tham khảo
- Bộ Y tế công bố kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2019-2020
- Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 6-11 tuổi của bộ y tế
- Chung S. (2017). Growth and Puberty in Obese Children and Implications of Body Composition. Journal of obesity & metabolic syndrome, 26(4), 243–250. https://doi.org/10.7570/jomes.2017.26.4.243
- Wideman, L., Weltman, J. Y., Hartman, M. L., Veldhuis, J. D., & Weltman, A. (2002). Growth hormone release during acute and chronic aerobic and resistance exercise: recent findings. Sports medicine (Auckland, N.Z.), 32(15), 987–1004. https://doi.org/10.2165/00007256-200232150-00003
- Hoạt động thể chất giúp con bạn phát triển khỏe mạnh hơn. (n.d.). Viện Dinh dưỡng Quốc gia. http://viendinhduong.vn/vi/dinh-duong-tre-em/hoat-dong-the-chat-giup-con-ban-phat-trien-khoe-manh-hon.html
- “Phát triển chiều cao tối đa” trung tâm dinh dưỡng – sở y tế thành phố Hồ Chí Minh
- Hirshkowitz, M., Whiton, K., Albert, S. M., Alessi, C. A., Bruni, O., DonCarlos, L. L., Hazen, N., Herman, J. H., Hillard, P. J. A., Katz, E. S., Gozal, D., Neubauer, D. N., O’Donnell, A. E., Ohayon, M. M., Peever, J., Rawding, R., Sachdeva, R., Setters, B., Vitiello, M. V., & Ware, J. C. (2015). National Sleep Foundation’s updated sleep duration recommendations: final report. Sleep Health, 1(4), 233–243. https://doi.org/10.1016/j.sleh.2015.10.004
- Loïc Yengo, Sailaja Vedantam, Eirini Marouli, Sidorenko, J., Bartell, E., Saori Sakaue, Graff, M., Eliasen, A. U., Jiang, Y., Raghavan, S., Miao, J., Arias, J. D., Graham, S. E., Mukamel, R. E., Spracklen, C. N., Yin, X., Chen, S.-H., Ferreira, T., Highland, H. H., & Ji, Y. (2022). A saturated map of common genetic variants associated with human height. Nature, 610(7933), 704–712. https://doi.org/10.1038/s41586-022-05275-y