Sử dụng metformin lâu dài có khả năng phòng ngừa ung thư đại trực tràng
Ds CKI Võ Văn Trường
Một báo cáo nghiên cứu gần đây cho thấy, những người sử dụng metformin trên 5 năm sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng, mặc dù hiệu quả này chỉ xuất hiện ở một số ít bệnh nhân nam.
Các nhà nghiên cứu nhận định: “Nếu phát hiện của chúng tôi được chứng thực thì metformin có thể có vai trò trong việc phòng chống ung thư đại trực tràng”.
Tham gia nghiên cứu có 47.351 bệnh nhân tiểu đường của Trung tâm Kaiser Permanente Bắc California được theo dõi nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng từ năm 1997–2012, trong đó có 21.524 bệnh nhân tiếp nhận điều trị bằng metformin. So sánh với nhóm bệnh nhân không sử dụng metformin, thì nhóm sử dụng trẻ hơn, không hút thuốc, có mức HbA1c cao hơn, chỉ số BMI trung bình cao hơn và thời gian mắc bệnh ngắn hơn.
Trong thời gian theo dõi trung bình 9 năm, 812 bệnh nhân phát triển ung thư đại trực tràng. Phân tích hồi quy Cox cho thấy không có mối liên hệ nào giữa việc đã từng sử dụng metformin và nguy cơ ung thư đại trực tràng (tỷ lệ nguy cơ [HR], 0,90; Khoảng tin cậy 95 %, 0,76–1,07). Hơn nữa, không có mô hình giảm nguy cơ nhất quán nào được thấy khi tăng tổng thời gian, liều lượng hoặc sử dụng thuốc tức thì. [Cancer Epidemiol Biomarkers Prev 2018; 27: 525-530].
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc hạ đường huyết có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng trong toàn dân (HR, 0,78; 0,60–1,02), ở những người hiện đang dùng thuốc (HR, 0,78; 0,59–1,04) và trong số những người bệnh điều trị với liều cao hơn (HR, 0,67; 0,45–0,98).
Khi phân tích theo giới tính, mối liên quan giữa việc tăng thời gian sử dụng metformin (≥5 năm) có tác dụng bảo vệ với nguy cơ ung thư đại trực tràng được quan sát thấy có ý nghĩa ở nam giới (HR, 0,65; 0,45–0,94; p = 0,05) nhưng không có ý nghĩa ở phụ nữ (HR , 0,95; 0,65–1,38; p = 0,98)
Kết quả là, trong số những bệnh nhân ban đầu sử dụng sulfonylurea, những người sau đó chuyển sang hoặc được chỉ định thêm metformin có nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng thấp hơn so với những người vẫn sử dụng sulfonylurea. Mối tương quan này thể hiện rõ nhất ở những người đã sử dụng metformin trong ít nhất 5 năm (HR, 0,62; 0,38–1,01).
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng: “Metformin có thể phòng ngừa ung thư đại trực tràng bằng cách giảm kháng insulin và hạ thấp mức insulin”, qua đó có thể thấy bệnh tiểu đường có liên quan đến việc tăng khoảng 30% nguy cơ mắc căn bệnh ung thư nói trên.
Họ nói thêm: “Trên cơ sở này, việc kiểm soát kém bệnh tiểu đường có thể là một yếu tố gây nhiễu thay đổi theo thời gian và tác động trung gian của mức insulin nên được nghiên cứu trong tương lai bằng cách sử dụng các mô hình cấu trúc cận biên.
Các nhà nghiên cứu nhận định rằng cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu sâu hơn để chứng thực những kết quả này, đồng thời đánh giá tác động của metformin đối với sự tái phát ung thư đại trực tràng và sự hình thành u tuyến.
Sự tham gia của một nhóm lớn bệnh nhân tiểu đường được theo dõi lâu dài tại Trung tâm Kaiser Permanente Bắc California có thể xem là một trong những điểm mạnh của nghiên cứu này. Tuy nhiên, vẫn có một số hạn chế cần khắc phục bao gồm khả năng sai lệch phát hiện trong quá trình tầm soát ung thư đại trực tràng bằng nội soi đại tràng và thiếu dữ liệu về sự tuân thủ của bệnh nhân với chế độ điều trị bằng thuốc tiểu đường.
(Lược dịch từ https://specialty.mims.com/topic/is-long-term-metformin-use-protective-against-colorectal-cancer-risk-)