fbpx
Điểm tin y tế

Chứng biếng ăn ở trẻ

Trong những năm tháng đầu đời, trẻ có những khoảng thời gian biếng ăn là vấn đề lo lắng hay gặp của các bà mẹ. Biếng ăn có thể hết sau một thời gian nhưng cũng có khi  kéo dài làm  trẻ có thể thiếu vi chất, bị suy dinh dưỡng và có nguy cơ phát triển chậm tăng trưởng. Để hiểu hơn về chứng biếng ăn, các nguyên nhân gây ra chứng biếng ăn ở trẻ, các mẹ có thể tham khảo bài viết dưới đây để cải thiện chứng biếng ăn ở trẻ.

1. Chứng biếng ăn ở trẻ?

Biếng ăn không phải là một bệnh mà thường là biểu hiện của nhiều nguyên nhân khác nhau có thể do bệnh lí, tâm lý hoặc sai lầm trong thực hành chế độ ăn.

Biếng ăn kéo dài gây suy dinh dưỡng thiếu chất, trẻ bị suy dinh dưỡng lại dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và bé lại càng biếng ăn hơn tạo vòng xoắn bệnh lý ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.

Các biểu hiện biếng ăn:

  • Khi trẻ không chịu ăn đủ số lượng thức ăn cần thiết do mất sự ngon miệng, ngậm, nhai lâu, ói, từ chối thức ăn nhiều lần
  • Thời gian ăn kéo dài hơn 30 phút
  • Trẻ kén ăn, thường chỉ ăn một số ít loại thức ăn nhất định
  • Sợ hãi, la hét, chạy trốn khi đến bữa hay thấy thức ăn
  1. Các nguyên nhân gây ra biếng ăn ở trẻ

    2.1 Nguyên nhân từ phía trẻ:

    Do bệnh lý:

    • Trẻ đang bị bệnh thường mệt mỏi, không muốn ăn, ăn không ngon, thay đổi khẩu vị, buồn nôn, nôn ói, đau bụng, … nên có tình trạng biếng ăn. Các bệnh lý hay gặp ở trẻ nhỏ như viêm tai mũi họng, cảm cúm, viêm phổi, viêm phế quản, tiêu chảy, nhiệt miệng,…
    • Tình trạng biếng ăn bệnh lý sẽ hết khi trẻ khỏi bệnh, trẻ sẽ ăn uống trở lại bình thường đây là lúc các mẹ cần bồi bổ dinh dưỡng cho con để bù lại dinh dưỡng bị thiếu hụt trước đó.

    Do tâm lý:

    • Trẻ sợ vì những đau đớn, cảm giác khó chịu trẻ đã trải qua trước đó như hóc, khó thở, đặt ống thông mũi – dạ dày;
    • Trẻ sợ hãi, khóc, la hét, trốn chạy khi tới bữa ăn hoặc thấy thức ăn do bị la mắng, ép ăn thô bạo.
    • Tâm lý của trẻ bao giờ cũng có cái tôi và muốn khẳng định mình. Nếu trẻ không ăn hay ói mà gây áp lực cho người lớn thì chuyện biếng ăn, ói cũng có thể trở thành một cách để trẻ gây chú ý hoặc để người lớn đáp ứng một điều gì đó?
    • Trẻ nhỏ thường sợ và không thích ăn thức ăn mới, thức ăn lạ.
    • Trẻ hiếu động ít quan tâm đến việc ăn uống, ít thèm ăn: Các trẻ này thường hiếu động, lanh lợi, trẻ quan tâm đến việc chơi và giao tiếp với mọi người nhưng ít khi biểu lộ hoặc quan tâm đến việc ăn uống. Trẻ chỉ ăn một vài miếng và ngừng ăn, lơ đãng với việc ăn uống.
    • Do trẻ thay đổi tâm sinh lý trong những giai đoạn phát triển như tập ăn dặm, mọc răng, tập đi,…. Tình trạng này gọi là biếng ăn sinh lý.  Trẻ nhỏ đột ngột bỏ ăn trong nhưng thường chỉ kéo dài từ 1-2 tuần sau đó tự hết.

    2.2. Nguyên nhân về phía gia đình

    – Nhận định sai của người chăm sóc:  Do gia đình chưa có đầy đủ kiến thức về mức độ tăng trưởng và nhu cầu dinh dưỡng khác nhau của trẻ theo từng lứa tuổi, vì vậy không nhận định được chính xác sự phát triển bình thường của trẻ. Trẻ ăn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng theo lứa tuổi nhưng có nhân trắc nhỏ nằm trong giới hạn bình thường. Các ba mẹ đặt ra kỳ vọng quá mức, muốn trẻ phải bụ bẫm và cao hơn so với bình thường do đó ép trẻ ăn và tác động bất lợi đến trẻ.

    – Một số sai lầm trong thực hành chế độ ăn

    • Chế độ ăn, chế biến không đa dạng, khẩu vị nhàm chán hoặc bữa ăn không ngon
    • Do sắp xếp bữa ăn chưa hợp lý: Cho trẻ ăn vặt giữa các bữa chính và các bữa phụ cũng có thể ảnh hưởng đến khẩu vị của trẻ.
    • Không tăng cường số bữa ăn cho trẻ mặc dù mỗi bữa trẻ chỉ ăn rất ít hoặc bỏ bữa. Thức ăn nấu lỏng hơn bình thường (cho ít đạm và mỡ hơn bình thường)
    • Không cho hoặc cho trẻ ăn quá ít dầu mỡ vào bát bột, cháo của trẻ gây thiếu năng lượng khẩu phần. Thực tế nhu cầu chất béo của trẻ cao hơn người lớn nhưng các mẹ ít cho con thực phẩm nhóm dầu mỡ vì sợ khó tiêu.
    • Kiêng cữ nhiều thứ, không kiên nhẫn cho con làm quen với đồ ăn mới, cho một đến hai lần  cho con tập ăn con không ăn thì cho rằng con không ăn được
    • Cho trẻ ăn các đồ ăn nguyên hạt, khó tiêu như ngô, miến, khoai…khó hấp thu, thấp năng lượng mà chiếm dung tích lớn
    • Ép buộc trẻ ăn, la mắng trẻ khi ăn, không cho trẻ ăn theo đáp ứng và tín hiệu của trẻ sẽ làm trẻ chán ăn, sợ ăn hoặc quá bàng quang và thờ ơ với việc ăn uống của con khiến trẻ có cảm giác bị bỏ rơi.

    3. Cải thiện chứng biếng ăn của trẻ bằng thực hành dinh dưỡng hợp lý.

    • Thiết kế bữa ăn đầy đủ, cân bằng  bốn nhóm thực phẩm đạm, tinh bột, béo và rau củ quả trong bữa ăn, đa dạng hóa thực phẩm tức thường xuyên thay đổi các thực phẩm trong cùng nhóm
    • Cho trẻ ăn thức ăn trẻ thích
    • Cho trẻ ăn đủ số lượng và số bữa phù hợp với tuổi của trẻ. Không cho trẻ ăn quá nhiều trong một bữa hoặc quá nhiều lần trong ngày (khoảng cách giữa các bữa quá gần) làm trẻ quá no, khó chịu và sợ ăn;
    • Thay đổi thức ăn, cách chế biến đảm bảo thức ăn mềm, dễ tiêu hóa và hấp thu để trẻ cảm thấy ngon miệng mà không bị nhàm chán.
    • Trang trí, chuẩn bị món ăn đẹp, nhiều màu sắc, hương vị hấp dẫn
    • Tạo không khí bữa ăn ấm cúng, vui vẻ
    • Khen ngợi khi trẻ ăn ngoan và khuyến khích trẻ ăn hết khẩu phần.
    • Cố gắng cho trẻ ăn đúng bữa, ngoài 3 bữa chính nên cho ăn thêm 2 -3 cử phụ. Nên cho trẻ một khung giờ kỷ luật trong sinh hoạt, đặc biệt là đối với bữa ăn. Đến giờ là trẻ phải biết ngồi vào bàn ăn, bữa ăn kéo dài trong 20 -30 phút. Nếu trẻ không ăn thì cất thức ăn đi và không cho ăn vặt ngay, hãy để trẻ hơi đói và ăn bù vào bữa kế tiếp
    • Không cho trẻ ăn quà vặt như bánh, kẹo, nước ngọt… trước bữa ăn vì sẽ làm trẻ mất cảm giác đói, cảm giác thèm ăn làm cho trẻ không chịu ăn các thức ăn giàu dinh dưỡng khác;
    • Cho trẻ vận động, chơi hoặc tắm trước khi ăn để trẻ có cảm giác đói
    • Không nên dùng các thuốc kích thích ăn ngon cho các trường hợp trẻ biếng ăn, có thể bổ sung vitamin và chất khoáng nếu chất lượng bữa ăn của trẻ chưa đảm bảo
    • Khi trẻ tăng trưởng tốt, không cần cho trẻ sử dụng các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng vì các sản phẩm này không thể thay thế cho các thực hành ăn, uống hợp lý

     Đưa trẻ đến cơ sở y tế khám nếu trẻ có các biểu hiện sau:

    • Trẻ có các biểu hiện biếng ăn tâm lý nặng
    • Trẻ biếng ăn trong một thời gian dài làm  trẻ bị sụt cân, không tăng cân, chậm phát triển chiều cao, cân nặng so với các bạn cùng tuổi.
    • Trẻ chậm chạp, không đùa nghịch;
    • Trẻ thường xuyên bị ốm, sốt, ho, tiêu chảy, đau trong miệng, họng… vì sức đề kháng kém do thiếu chất dinh dưỡng.

     

    Tài liệu tham khảo

    1. Tài liệu “Nuôi dưỡng trẻ nhỏ” – Bộ Y tế ban hành theo QĐ số 5063/QĐ-BYT

    Bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Đại học Y Khoa Hà Nội (2020) – Dinh dưỡng điều trị trong nhi khoa – Nhà xuất bản Y học

Show More

Related Articles

Back to top button