fbpx
Điểm tin y tếTin nổi bậtTin tức - Sự kiện

Ghép tế bào trong điều trị bệnh bạch biến

Người dịch: Quang Tiến

Bệnh bạch biến luôn gây ra nhiều khó khăn trong việc lựa chọn phương pháp điều trị. Mặc dù các phương pháp tiếp cận trước đây vẫn đạt hiệu quả, những tiến bộ gần đây đã đưa phương pháp điều trị bằng phẫu thuật trở thành lựa chọn ưu tiên.

Bệnh bạch biến là rối loạn da liễu mắc phải phổ biến được cho là có nguồn gốc tự miễn, trong đó sự phá hủy các tế bào hắc tố da dẫn đến các mảng trắng được phân chia rõ ràng trên cơ thể. Bạch biến được phân loại thành 2 thể phân đoạn và không phân đoạn, sau đó tiếp tục được phân nhóm nhỏ thành bệnh ổn định và không ổn định. Khoảng 10% đến 15% bệnh nhân mắc bạch biến thể phân đoạn, nghĩa là chỉ có 1 đoạn cơ thể – ví dụ: nửa bên mặt hoặc 1 tay hoặc chân – bị bệnh, và 85% đến 90% bệnh nhân mắc bạch biến thể không phân đoạn.

Phát biểu tại Hội nghị thường niên Học viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD) năm 2022 được tổ chức từ ngày 25 – 29/3 tại Boston, Massachusetts, Bác sĩ Iltefat Hamzavi, chuyên gia về Da liễu tại Công ty Hamzavi Dermatology, Canton, Michigan cho biết “Bệnh nhân bạch biến cả hai thể phân đoạn và không phân đoạn đều có thể đáp ứng tốt với điều trị thuốc bôi tại chỗ, quang trị liệu và phẫu thuật, miễn là tổn thương không phát triển chủ động và bác sĩ điều trị có thể xác định tổn thương bạch biến là ổn định hay không ổn định thông qua hình ảnh trước và sau điều trị”.

Trong bệnh bạch biến thể không phân đoạn, các dấu hiệu lâm sàng của tổn thương không ổn định bao gồm các dát giống như hoa giấy, hiện tượng Köebner và bạch biến trichrome. Theo Bác sĩ Hamzavi, các tổn thương không ổn định này có thể được điều trị tốt nhất bằng phương pháp quang trị liệu; thuốc bôi tại chỗ; và, đôi khi là thuốc bôi toàn thân.

Bác sĩ Hamzavi cho biết bệnh bạch biến thể phân đoạn ổn định không có khả năng lây lan. Chỉ 10% đến 15% bệnh nhân mắc thể này sẽ xuất hiện thêm các tổn thương, trong khi tổn thương ở hầu hết bệnh nhân bạch biến thể không phân đoạn có thể lây lan bất cứ lúc nào, sẽ xuất hiện thêm các tổn thương. Tuy nhiên, các tổn thương của bạch biến thể phân đoạn có xu hướng mở rộng và sau đó ổn định, tình trạng này có thể gây ra khó khăn trong điều trị vì các tế bào hắc tố sẽ không thể tái tạo nếu không thay đổi liệu pháp điều trị.

Ông cho biết “Tỷ lệ tái tạo sắc tố da hoàn toàn bằng phương pháp phẫu thuật đối với bệnh bạch biến thể phân đoạn đạt từ 70% đến 90% và kéo dài hơn 7 năm. Tình trạng tái xuất hiện tổn thương phần lớn là do một bệnh lý miễn dịch khác, biểu hiện trên lâm sàng là các tổn thương thường không mở rộng và xuất hiện tại vị trí khác. Đối với bệnh nhân gặp tình trạng này, phẫu thuật sẽ là lựa chọn tốt nhất nếu các phương pháp trị liệu tại chỗ và quang trị liệu thất bại”.

Phẫu thuật cũng có thể giúp những bệnh nhân bạch biến thể không phân đoạn cải thiện tình trạng bệnh; tuy nhiên, do có thể xuất hiện các vần đề miễn dịch, bác sĩ điều trị phải đảm bảo các tổn thương ổn định cả trước và sau khi cấy ghép. Bệnh nhân bạch biến thể không phân đoạn cần điều trị y tế ngoài phẫu thuật để tối ưu hóa kết quả điều trị.

Bác sĩ Hamzavi cho biết “Bệnh bạch biến thể phân đoạn và không phân đoạn đều đáp ứng với phẫu thuật, nhưng tỷ lệ đáp ứng cao hơn ở bệnh nhân thể phân đoạn vì hệ miễn dịch không ổn định. Theo kinh nghiệm của tôi, bệnh bạch biến thể phân đoạn thực sự yêu cầu phương pháp phẫu thuật và hầu hết bệnh nhân đều có đáp ứng điều trị rất tốt”.

Các phương pháp phẫu thuật truyền thống như ghép da bằng punch, ghép lớp da và ghép da theo phương thức tạo bóng nước bằng lực hút, cũng như phương pháp cấy ghép tế bào hắc tố-tế bào sừng (melanocyte-keratinocyte transplantation procedure – MKTP) bao gồm huyền phù tế bào biểu mô không qua nuôi cấy, đều tỏ ra hiệu quả.

Cũng tại Hội nghị AAD, bác sĩ Davinder Parsad, giáo sư Khoa Phong – Da liễu tại Viện Nghiên cứu và Giáo dục Y tế sau đại học Chandigarh, Ấn Độ cho biết “MKTP là một phương pháp cấy ghép tế bào gần đây đã được cải tiến và đơn giản hóa để dễ dàng tiếp cận và thực hiện hơn. So với các phẫu thuật cấy ghép truyền thống, tỷ lệ đáp ứng với phương pháp MKTP tốt hơn nhiều, làm cho phương pháp phẫu thuật này ngày càng được ưa chuộng ”.

Ưu điểm lớn nhất của phương pháp ghép tế bào so với phương pháp ghép mô là có thề xử lý diện tích bề mặt lớn hơn trong một quy trình duy nhất. Trong phương pháp ghép tế bào, mảnh ghép 1 cm có thể bao phủ diện tích 6 cm, trong khi ở phương pháp ghép mô, tỷ lệ là 1:1. Một ưu điểm khác của phương pháp ghép tế bào là mang lại màu sắc trùng khớp với da của bệnh nhân hơn, và làm cho bệnh nhân hài lòng vì sắc tố da của họ sẽ tự nhiên hơn.

Trước đây, phẫu thuật ghép tế bào được cho là phụ thuộc nhiều vào phòng thí nghiệm, đòi hỏi phải có các trang thiết bị chuyên dụng với đội ngũ được đào tạo đặc biệt để xử lý mô. Các cải tiến và điều chỉnh kỹ thuật liên tục giúp cho quy trình này trở nên dễ tiếp cận hơn đối với bác sĩ lâm sàng.

Theo Bác sĩ Parsad, công đoàn tẩy rửa mô không còn đòi hỏi sự chuẩn bị đặc biệt, giúp đơn giản hóa quy trình. Các cải tiến khác bao gồm sử dụng lượng dung dịch pha loãng theo nhu cầu, giảm sử dụng kỹ thuật ly tâm và sử dụng máy mài da hoặc kim lăn cho khu vực da sẽ được huyền phù tế bào.

Bác sĩ Parsad cho biết “Kỹ thuật cấy ghép tế bào cũng có thể được kết hợp với các phương pháp điều trị khác, bao gồm quang trị liệu và thuốc bôi tacrolimus tại chỗ, giúp đảm bảo tái tạo sắc tố da nhanh, hiệu quả và hoàn chỉnh hơn”.

Đối với bệnh nhân bạch biến ổn định cần điều trị bằng phẫu thuật, ghép tế bào trở thành lựa chọn ưu tiên. Theo Bác sĩ Parsad, quá trình này đã được đơn giản hóa và tất cả bác sĩ da liễu đều có thể thực hiện, chỉ cần họ thông qua đào tạo về phẫu thuật và trang bị các dụng cụ cần thiết.

Bác sĩ Hamzavi kết luận “Phương pháp phẫu thuật phải là một phần trong các phương án điều trị bệnh nhân bạch biến. Quang trị liệu, thuốc bôi tại chỗ và toàn thân không thể điều trị giúp bệnh nhân tái tạo hoàn toàn sắc tố da và gần như không có phương pháp nào có thể cung cấp mức độ tái tạo sắc tố da mà phẫu thuật mang lại cho bệnh nhân”.

Nguồn: dermatologyadvisor.com

Show More

Related Articles

Back to top button